Ngoài diện mạo bề ngoài, trẻ nhỏ phần nào thừa hưởng những năng khiếu nghệ thuật từ bố và mẹ. Đó là lý do vì sao nhiều đứa trẻ “con nhà nòi” thường được khen khéo biết múa, hát, hay diễn xuất giỏi giang chẳng kém bố mẹ. Đơn cử như cô bé Moon nhà ca sĩ Võ Hạ Trâm mới đây đã khiến mọi người một phen trầm trồ vì khả năng hát và sáng tạo bài hát chẳng kém người mẹ của bé.
Cụ thể, bà mẹ 1 con đăng tải trên mạng xã hội đoạn clip cô nhận được từ vú em của mình khi bản thân đang đi làm xa nhà. Trong video là hình ảnh bé Moon trước giờ đi ngủ nhưng vẫn cố gắng hát một bài hát để gửi đến mẹ. Cô bé lai hai dòng máu Việt Nam và Ấn Độ mới chỉ chưa đầy 3 tuổi nhưng hát bằng tiếng Việt rất rõ, lại tự sáng tác câu từ “Mẹ Trâm ơi, con yêu mẹ nhiều…”.
Bé Moon hát say sưa thể hiện tình yêu dành cho mẹ.
Sau khi xem xong clip con gái hát, Võ Hạ Trâm chắc chắn đã muốn trở về nhà ngay để ôm bé Moon nhưng không được nên cô đã phải thốt lên “Mẹ đi diễn mà bà vú gởi clip con…chơi ác ghê…”.
Phía dưới phần bình luận, nhiều người dành lời khen ngợi cho khả năng ca hát và sáng tác bài hát của bé Moon khiến mẹ Trâm cũng phải đặt nghi vấn “các mẹ thấy em Moon có thể nối nghiệp của mẹ không?”.
Thực tế theo quy luật di truyền thì nhiều nghiên cứu đã chứng minh gen thông minh chủ yếu tập trung ở nhiễm sắc thể (NST) X. Nữ giới có đến 2 NST XX, trong khi nam giới chỉ có 1 NST X. Chính vì vậy, mẹ có ưu thế hơn trong việc di truyền trí thông minh cho con. Đó cũng có thể là một minh chứng cho thấy bé Moon thừa hưởng khả năng ca hát từ nhỏ từ người mẹ ca sĩ của mình.
Và việc trẻ nhỏ dù là bé trai hay bé gái có đam mê, năng khiếu về bất kì một bộ môn nghệ thuật nào đó như ca hát, nhảy múa, vẽ tranh, diễn xuất…cũng là điều rất tốt đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện ở trẻ. Chính vì thế trên hành trình phát triển sự toàn diện, việc giáo dục nghệ thuật là yếu tố mà bố mẹ không nên bỏ qua, ngược lại còn cần phải có sự đầu tư cho con, vì nó thực sự sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với trẻ.
Một số lợi ích khi bố mẹ cho con tham gia các bộ môn nghệ thuật:
Phát triển tư duy sáng tạo và sự linh hoạt
Tham gia các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, diễn xuất, vũ đạo,… khuyến khích sự sáng tạo và tư duy linh hoạt của trẻ. Khi trẻ học và thực hành các kỹ năng nghệ thuật, trẻ được khuyến khích tìm kiếm những cách tiếp cận mới, phát triển khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của mình.
Việc khám phá và tạo ra những ý tưởng sẽ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, và trở thành những người có tư duy sáng tạo trong tương lai.
Tăng cường kỹ năng giao tiếp và sự tự tin
Tham gia các bộ môn nghệ thuật giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp và sự tự tin trong việc diễn đạt ý kiến, cảm xúc và ý tưởng của mình. Qua những buổi biểu diễn trước công chúng, trẻ được rèn luyện khả năng diễn đạt, truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng và hiệu quả.
Việc nhận được sự công nhận và khích lệ từ người khác cũng giúp trẻ xây dựng sự tự tin vào năng lực vốn có của mình.
Phát triển khả năng tư duy logic và trí tuệ
Việc tham gia vào các bộ môn nghệ thuật giúp trẻ phát triển khả năng tư duy logic và trí tuệ. Ví dụ, học âm nhạc giúp trẻ rèn kỹ năng phân tích, cải thiện tư duy toán học. Học hội họa và điêu khắc khuyến khích trẻ tư duy trừu tượng và khả năng quan sát chi tiết.
Việc rèn luyện những kỹ năng này không chỉ giúp trẻ thành công trong nghệ thuật, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Xây dựng lòng kiên trì
Học các bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực lâu bền, điều mà không phải đứa trẻ nào cũng dễ dàng đạt được. Trẻ cần thực hành và luyện tập nhiều để nắm vững kỹ năng và cải thiện trình độ.
Qua quá trình này, trẻ sẽ hiểu rằng thành công đòi hỏi sự cống hiến và không ngừng nỗ lực. Việc rèn luyện lòng kiên nhẫn và sự kiên trì từ nhỏ sẽ giúp trẻ vượt qua nhiều thách thức trong cuộc sống, và đạt được các mục tiêu đặt ra trong tương lai.
Tạo niềm vui và giảm căng thẳng
Tham gia các hoạt động nghệ thuật mang lại niềm vui và giúp trẻ giải tỏa căng thẳng. Hát, nhảy, vẽ tranh hay chơi nhạc có thể làm giảm stress và cải thiện trạng thái tâm lý của trẻ.
Khi tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, trẻ được thỏa sức sáng tạo và thể hiện bản thân một cách tự do, mang lại niềm vui và hạnh phúc. Các hoạt động này còn giúp trẻ tập trung vào hiện tại, quên đi những áp lực và lo lắng trong cuộc sống hàng ngày.
Xây dựng giá trị văn hóa và tinh thần đồng đội
Tham gia vào các bộ môn nghệ thuật giúp trẻ hiểu và trân trọng các giá trị văn hoá, cũng như tinh thần đồng đội. Qua việc học về âm nhạc, hội họa, diễn xuất từ các nền văn hóa khác nhau, trẻ được khám phá và hiểu rõ thêm về thế giới xung quanh.
Đồng thời, việc cùng học, cùng luyện tập và trình diễn cùng nhau trong các dự án nghệ thuật với các bạn khác cũng sẽ giúp trẻ xây dựng tinh thần đồng đội, tính hợp tác và biết tôn trọng ý kiến của người khác. Những giá trị này sẽ phản ánh vào cuộc sống hàng ngày, làm nền tảng cho sự phát triển xã hội và cá nhân của trẻ.