Ai làm mẹ rồi cũng sẽ hiểu, chăm sóc một đứa trẻ không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng chút nào, đặc biệt là khi con còn nhỏ. Những lúc con khoẻ mạnh thì không sao, nhưng đến khi con ốm đau, đổ bệnh thì mẹ sẽ là người vất vả nhất, đầu bù tóc rối thức trắng đêm chăm con. Mỗi lần nhắc đến chữ “con bị ốm”, hẳn bà mẹ nào cũng đều cảm thấy sợ hãi và ớn lạnh.
Mới đây trên trang cá nhân, bà mẹ 3 con Phạm Quỳnh Anh đã đăng dòng trạng thái trên story than thở, trút nỗi lòng về việc con gái út với bạn trai kém tuổi Zoey bị ốm, nghe xong mẹ bỉm nào cũng bày tỏ sự đồng cảm. Theo đó nữ ca sĩ U40 tâm sự: “Nhà có 2 bệnh nhân là mẹ và em Zoey, trộm vía ban ngày em ngoan ngoãn cho mẹ cắt móng tay chân, chả bù cho cả đêm em quấy khóc, thức trắng vì nghẹt mũi và ho. Thương em”.
Phạm Quỳnh Anh trải lòng chuyện con gái bị ốm, vật vã thức trắng đêm chăm con.
Có lẽ vì chăm ái nữ ốm mà Phạm Quỳnh Anh cũng ốm theo con. Việc những đứa trẻ đổ bệnh và quấy khóc vào ban đêm vốn dĩ là đặc thù, và cũng là cảnh tượng quá đỗi quen thuộc với bất kì bà mẹ bỉm nào chứ không riêng gì Phạm Quỳnh Anh. Bé Zoey nhà Phạm Quỳnh Anh mới chỉ hơn một tuổi nên có lẽ trong quá trình chăm sóc con mọn, nữ ca sĩ đã phải rất vất vả.
Ở giai đoạn này, vì con còn rất nhỏ nên đòi hỏi phải được bố mẹ chăm sóc nhiều. Hơn nữa, sức đề kháng của trẻ còn yếu nên dễ mắc bệnh hơn so với những độ tuổi lớn hơn. Đó là lý do mà khi làm mẹ, khoảng thời gian nuôi con sơ sinh là cực nhọc và tốn nhiều công sức nhất đối với những người phụ nữ.
Ở tuổi U40, Phạm Quỳnh Anh làm mẹ của 3 cô công chúa.
Không những thế, ở độ tuổi U40, Phạm Quỳnh Anh hiện tại còn là bà mẹ 3 con. Vốn dĩ việc chăm sóc và nuôi dạy một đứa trẻ đã rất khó, nhưng điều này càng khó gấp 3 lần đối với nữ ca sĩ. Tuy nhiên có thể thấy rằng, dẫu Phạm Quỳnh Anh là một người nổi tiếng, giàu có nhưng trong vai trò của một người mẹ, cô cũng vất vả, tất bật như biết bao bà mẹ khác. Dù vậy thì với nữ ca sĩ, có lẽ đây lại là những nỗi vất vả trong hạnh phúc mà chỉ có những ai làm mẹ, ở trong vị trí giống như cô thì mới có thể cảm nhận được trọn vẹn.
Dĩ nhiên không bà mẹ nào muốn đứa trẻ của mình đau ốm cả, thay vào đó việc nhìn thấy con khoẻ mạnh khôn lớn từng ngày chính là niềm mong ước của tất cả những ông bố bà mẹ. Đồng ý rằng ở giai đoạn từ 1 – 3 tuổi, sức đề kháng của trẻ còn khá yếu. Tuy nhiên để có thể giúp con tăng sức đề kháng, giảm tình huống đau ốm vặt thì bố mẹ nên tham khảo một số cách dưới đây.
– Sữa mẹ và chế độ ăn uống
Cho con bú đủ sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể tự nhiên, giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh tật.
Nếu không thể cho con bú hoặc khi con đã bước vào giai đoạn ăn dặm, bố mẹ hãy đảm bảo cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống đa dạng và cân đối. Bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc, thịt, cá, đậu và sản phẩm sữa. Điều này giúp cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ.
– Chăm sóc vệ sinh cá nhân
Dạy con cách rửa tay đúng cách, sử dụng xà phòng và nước ấm trước và sau khi ăn, sau khi tiếp xúc với vật dụng bẩn và sau khi đi vệ sinh. Hãy dạy con cách xoa đều xà phòng và rửa kỹ trong ít nhất 20 giây. Rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa vi khuẩn và virus từ bên ngoài xâm nhập, lây lan vào cơ thể trẻ.
– Tăng cường vận động
Hãy khuyến khích con tham gia vào các hoạt động vui chơi, di chuyển và tập thể dục. Vận động giúp tăng cường sức đề kháng và tạo điều kiện tốt cho sự phát triển toàn diện của con.
Đặc biệt là bố mẹ dành thời gian cho trẻ chơi ngoài trời, đi dạo, chạy nhảy hoặc tham gia các hoạt động như bơi, đạp xe, chơi bóng. Điều này cung cấp cơ hội cho con tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tăng cường việc sản xuất vitamin D trong cơ thể.
– Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng
Thiết lập lịch trình ngủ hợp lý cho con và tạo môi trường thoải mái để trẻ có thể nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Giấc ngủ đủ và chất lượng giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn và hỗ trợ quá trình phục hồi.
– Tránh tiếp xúc với người bị bệnh
Hạn chế để con tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hoặc có triệu chứng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, trong mùa dịch hoặc khi có thông báo về bệnh truyền nhiễm, hạn chế đi đến những nơi đông người và tránh tiếp xúc với những người bị bệnh.
– Tiêm phòng và tuân thủ lịch tiêm chủng
Đảm bảo con được tiêm phòng đầy đủ theo lịch trình được khuyến nghị. Tiêm phòng giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh nguy hiểm, và giảm nguy cơ lây nhiễm cho cả bản thân cũng như cộng đồng xung quanh.
Tuân thủ lịch tiêm chủng và hãy luôn cập nhật với bác sĩ hoặc cơ sở y tế địa phương để biết rõ về các biện pháp phòng ngừa bệnh và tiêm chủng mới nhất.
– Giữ cho con môi trường sống sạch sẽ và an toàn
Đảm bảo môi trường sống của con luôn sạch sẽ và an toàn. Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, và các bề mặt tiếp xúc thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm và phòng tránh sự phát triển của vi khuẩn, vi rút.
Hạn chế sử dụng các chất hoá học và chất cấm trong môi trường sống của trẻ. Sử dụng các sản phẩm vệ sinh an toàn và không gây hại cho con.
Ngoài ra, không quên việc hỗ trợ sức khoẻ tinh thần và tâm lý cho trẻ. Một tinh thần lạc quan, vui vẻ và tình yêu thương từ gia đình hay những người xung quanh có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng của trẻ.
Lưu ý rằng việc tăng cường sức đề kháng không đảm bảo hoàn toàn tránh được việc mắc bệnh, nhưng nó có thể giúp giảm nguy cơ và tăng khả năng phục hồi cho con khi đối mặt với bệnh tật.
Song song với quá trình chăm con, các bà mẹ cũng cần lưu ý quan tâm đến sức khoẻ và trạng thái tinh thần của bản thân. Như vậy thì mới có đủ sức lực đồng hành cùng trẻ, bởi chuyện nuôi con không phải ngày một ngày hai, mà nó là cả một hành trình dài. Một người mẹ khoẻ mạnh, hạnh phúc chắc chắn cũng sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ khoẻ mạnh và hạnh phúc.