I. Ăn dặm là gì? Vì sao phải cho trẻ ăn dặm?
Theo Wikipedia: “Thức ăn ăn dặm là thực phẩm nhiều dinh dưỡng dùng cho trẻ sơ sinh. Ăn dặm là giai đoạn cho bé tập làm quen với thức ăn thô hơn sữa mẹ. Ăn dặm không nhằm thay thế sữa mẹ trong 1 năm đầu. Trong thời kỳ này, có sự chênh lệch giữa các bé, thông thường ăn dặm bắt đầu từ 6 tháng cho đến kết thúc là 1 tuổi.”
Theo Raising Children, trong 6 tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh hấp thụ nguồn dinh dưỡng chính đến từ sữa mẹ và sử dụng sắt dự trữ trong cơ thể từ khi còn trong bụng mẹ. Khi trẻ lớn dần lên sẽ cần thêm sắt và các nguồn dinh dưỡng khác để bước vào những giai đoạn phát triển tiếp theo.
II. Dấu hiệu trẻ muốn ăn dặm
Thông thường, trẻ 5 tháng tuổi trở lên đã có thể bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, mức độ phát triển của mỗi trẻ là không giống nhau nên bố mẹ cần quan sát những dấu hiệu ăn dặm điển hình như sau:
– Bé không còn đẩy đồ ăn ra khi mẹ đút như trước đây.
– Bé bắt đầu tập nhai những thứ mẹ cho vào miệng.
– Bé bắt đầu có thói quen cầm nắm đồ vật và cho vào miệng gặm.
– Bé tự ngồi được mà không cần ba mẹ hỗ trợ.
– Bé rất thích ngồi chung với gia đình vào bữa ăn.
Khi có những dấu hiệu này, bố mẹ có thể kết hợp cho bé bú sữa mẹ và tập ăn dặm dần theo các thực đơn dinh dưỡng khoa học.
III. Nguyên tắc khi cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm
1. Bé 6 tháng tuổi ăn được những gì?
Trong giai đoạn này, bố mẹ nên cho con làm quen với các loại thực phẩm đa dạng để đảm bảo đủ dưỡng chất. Một số chất dinh dưỡng cần thiết nên có mặt trong thực đơn ăn dặm của bé 6 tháng tuổi là:
– Sữa mẹ: Đây vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất với trẻ trong đoạn này. Bé cần tiêu thụ sữa mẹ đều đặn đến ít nhất 12 tháng tuổi.
– Chất đạm: Nguồn chất đạm giúp bổ sung sắt, kẽm có trong thịt heo, bò, gà, tôm, cá, lòng đỏ trứng,…
– Chất béo: Chất béo, các axit béo có trong thịt, tôm, trứng gà,…
– Vitamin và khoáng chất: Chất xơ, vitamin, khoáng chất tự nhiên giúp bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ hệ tiêu hóa có trong rau ngót, củ cải, cà rốt, khoai,…
– Nhóm chất bột đường: Bột gạo, gạo lứt, các loại đậu, hạt dinh dưỡng,… hoặc các loại bột ngũ cốc ăn dặm được chế biến sẵn bởi các thương hiệu uy tín.
2. Bé 6 tháng tuổi cần tránh những gì?
Có một số nhóm chất cần tránh trong chế độ dinh dưỡng của trẻ 6 tháng tuổi, cụ thể như sau:
– Mật ong: Do chứa hàm lượng đường cao nên mật ong không được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh.
– Trứng chưa nấu chín: Trứng sống, trứng chưa nấu chín có thể chứa vi khuẩn Salmonella.
– Các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non nớt nên để đảm bảo an toàn, tránh hiện tượng tiêu chảy, mẹ nên chọn sữa tiệt trùng cho trẻ.
– Thực phẩm hoặc đồ uống có đường, muối
– Thực phẩm nguyên hạt: Trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhai, nuốt và cơ hàm yếu nên hạt có nguy cơ cao bị mắc nghẹn gây ngạt thở. Ngoài ra, một số trẻ có thể bị dị ứng với các loại hạt.
– Thực phẩm ít chất béo: Trẻ sơ sinh thường cần nhiều chất béo hơn so với người lớn, mẹ nên bổ sung các thực phẩm nhiều chất béo như bơ, dầu oliu, cá ngừ, các loại đậu,…
– Sữa bò tươi: Trong sữa bò có hàm lượng protein cao có thể khiến trẻ bị khó tiêu hóa. Dưới 1 tuổi, trẻ chỉ nên tiêu thụ sữa mẹ và các loại sữa công thức hợp tuổi.
3. Liều lượng ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, chế độ dinh dưỡng cho bé 6 tháng tuổi vẫn đến từ sữa mẹ là chính. Còn bữa ăn dặm chỉ là bữa ăn phụ, giúp bé làm quen với thức ăn thô và mùi vị thức ăn. Mẹ chỉ nên cho bé ăn 1-2 bữa/ngày là đủ.
Ngoài ra, với mỗi món ăn dặm mới, mẹ nên cho bé ăn với liều lượng 1 thìa (5ml) và sẽ tăng dần lên theo nhu cầu và sở thích của bé. Tuy nhiên, tối đa 1 lần, mẹ chỉ nên cho bé ăn từ 7-10 thìa.
Bố mẹ có thể tham khảo lượng thức ăn khuyến cáo cho mỗi bữa ăn theo từng loại thực phẩm như bảng bên dưới:
4. Lưu ý cách cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm khoa học
– Cho con ăn dặm đúng thời điểm: Mẹ không nên ép con ăn khi con chưa đói và nên dừng lại đúng lúc khi con no hoặc nhận đủ lượng thức ăn cần thiết.
– Cho con ăn thực phẩm lỏng trước rồi đến thức ăn đặc sau: Điều này giúp bé yêu có thời gian làm quen với các loại thức ăn có kết cấu mới.
– Cho con ăn từ ít đến nhiều: Để hạn chế vấn đề trẻ bị nôn trớ và giúp hệ tiêu hóa hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng, nên điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý do dạ dày của bé vẫn còn nhỏ, không thể chứa quá nhiều thức ăn.
– Cho con ăn đa dạng đủ 4 nhóm thực phẩm: Điều này nhằm giúp bé nhận được đầy đủ dưỡng chất để phát triển.
– Bổ sung thêm lợi khuẩn: Thức ăn ăn dặm rất dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh nên cần sử dụng men vi sinh để bổ sung thêm các lợi khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.
IV. Lịch ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Các bé 6 tháng tuổi vẫn còn duy trì sữa mẹ nên chỉ cần ăn dặm khoảng 1-2 bữa/ngày, mỗi bữa ăn nên cách nhau ít nhất 2 giờ để bé tiêu hóa kịp thời. Bố mẹ thực hiện nghiêm chỉnh lịch ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi để thiết lập thói quen ăn uống đúng giờ, đúng bữa cho bé, giúp dạ dày tiêu hóa tốt thức ăn. Cụ thể:
V. Tham khảo các loại thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng
1. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi của Viện Dinh Dưỡng Trung Ương
Lưu ý: Các mẹ có thể thay thế nước cam bằng các loại quả theo mùa hoặc các loại trà lúa mạch phù hợp với tháng tuổi của trẻ. Đối với rau xanh, các mẹ cũng nên thường xuyên thay đổi để bé có thể làm quen với nhiều vị rau hơn.
2. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng của Viện Dinh dưỡng TPHCM – Theo sách nuôi con mau lớn
3. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng kiểu truyền thống 7 ngày
– Thứ 2: Cháo bí đỏ nghiền và sữa.
– Thứ 3: Cháo bắp cải nhuyễn, đậu xanh.
– Thứ 4: Cháo trứng nghiền nhuyễn, cà chua.
– Thứ 5: Cải thìa và khoai lang nghiền nhuyễn.
– Thứ 6: Cháo cà rốt, bông cải nghiền nhuyễn.
– Thứ 7: Súp khoai tây sữa và đậu.
– Chủ nhật: Cháo bí đỏ và cải xoăn nghiền nhuyễn.
4. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng kiểu Nhật 30 ngày
Là phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ Nhật Bản, với các thực đơn được chế biến đa dạng và đặt trên cùng 1 mâm để bé tự lựa chọn, các loại thực phẩm riêng biệt nên bé nhận biết được mùi vị cũng như mẹ có thể phát hiện bé dị ứng món gì. Kiểu ăn dặm này có lợi ích giúp bé ăn ngon miệng hơn, có khả năng ăn thức ăn thô sớm và làm quen tốt với mùi vị, kích thích tiêu hóa. Mỗi bữa ăn đều cần đảm bảo đủ 3 nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, vitamin) và nên đa dạng thực đơn.
– Ngày 1 và 2: Cháo trắng (tỷ lệ 1:10) và 40ml nước ép táo.
– Ngày 3: Cháo (tỷ lệ 1:10), cà rốt nghiền và dashi rau củ quả.
– Ngày 4: Bơ nghiền và sữa.
– Ngày 5: Cháo (tỷ lệ 1:10), bí ngòi nghiền và cá bào rong biển.
– Ngày 6: Cháo củ cải, bí đỏ nghiền và dashi.
– Ngày 7: Cháo, su su nghiền, bắp nghiền.
– Ngày 8: Cháo (tỷ lệ 1:9), cải bó xôi nghiền, bí xanh nghiền.
– Ngày 9: Khoai lang nghiền trộn sữa mẹ.
– Ngày 10: Ngô bao tử nghiền.
– Ngày 11: Cháo nấu chút dầu oliu, nước dashi, rau ngót nghiền.
– Ngày 12: Khoai tây nghiền trộn sữa mẹ (sữa công thức).
– Ngày 13: Cháo nấu chút dầu oliu, cà chua, bắp cải.
– Ngày 14: Táo và chuối nghiền cùng sữa mẹ (sữa công thức), súp kem gà phô mai.
– Ngày 15: Cháo rau mầm cải ngọt, cà chua cùng nước ép đào.
– Ngày 16: Cháo rau mầm cải đỏ và khoai lang tím, nước ép nho.
– Ngày 17: Sữa bí đỏ nấu cùng đậu Hà Lan.
– Ngày 18: Cháo làm từ lòng đỏ trứng gà, 1 giọt dầu oliu cùng nước ép lê.
– Ngày 19: Cháo nấu với một chút dầu oliu, hành tây, cải chíp và nước ép táo.
– Ngày 20: Cháo cà rốt nấu với dầu oliu, đậu hà lan, lá dứa ngô cùng mận đen nghiền nhuyễn.
– Ngày 21: Bánh mì trộn với sữa mẹ (sữa công thức).
– Ngày 22: Cháo bí đỏ nấu dầu oliu và hạt kê.
– Ngày 23: Cháo yến mạch kèm bắp tím, súp lơ xanh.
– Ngày 24: Cháo hạt quinoa, rau cải xoăn, súp lơ trắng và ớt chuông.
– Ngày 26: Cháo rau má đậu xanh.
– Ngày 27: Cháo bí đao kèm rau mồng tơi.
– Ngày 28: Súp yến mạch hạt quinoa, khoai lang kèm đu đủ.
– Ngày 29: Cháo đậu que, rau mồng tơi, hành tây, phô mai.
– Ngày 30: Súp bánh mì kèm sữa và táo nghiền.
5. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi kiểu BLW
Ăn dặm tự chỉ huy hay ăn dặm BLW là hình thức cho bé ăn dặm bỏ qua giai đoạn nghiền nhuyễn thức ăn, mẹ sẽ cho bé nấu thức ăn đã chín nhừ và để bé tự quyết định mình sẽ ăn món gì. Điều này giúp rèn luyện kỹ năng nhai nuốt và kiểm soát thức ăn, khuyến khích trẻ ăn uống độc lập từ sớm.
– Ngày 1: Bí ngòi luộc, rau súp lơ luộc và ớt chuông hấp.
– Ngày 2: Cà rốt hấp, súp lơ hấp, măng tây hấp và bơ xay trộn sữa làm nước sốt chấm.
– Ngày 3: Cá tilapia nướng, bí đỏ hấp, bí ngòi hấp và khoai lang tím hấp.
– Ngày 4: Cá hồi chiên, khoai tây hấp, đậu cove hấp, cà rốt hấp.
– Ngày 5: Măng tây và súp lơ luộc, lòng đỏ trứng gà rán.
– Ngày 6: Măng tây, đậu đũa và cà rốt hấp, dưa chuột.
– Ngày 7: Măng tây nướng, bánh ngô chiên, khoai lang, bánh khoai tây thịt bò.
– Ngày 8: Bí đỏ hấp, khoai tây cuộn thịt bò rắc phô mai và củ su luộc.
– Ngày 9: Măng tây luộc, thịt viên chiên, nui và củ cải.
– Ngày 10: Bí đỏ hấp, khoai tây chiên và gà viên chiên mộc nhĩ nấm hương.
– Ngày 11: Đậu đũa hấp, mướp hấp, cà rốt hấp và xoài.
– Ngày 12: Măng tây hấp, bí xanh hấp, su su hấp, cà chua hấp, đu đủ.
– Ngày 13: Mướp hấp, đậu đũa hấp, cà rốt hấp, bầu trắng hấp, hành tây hấp và xoài chín.
– Ngày 14: Cơm nát cuộn rong biển, đậu đũa hấp, cà chua hấp, hành tây và su su hấp.
– Ngày 15: Bí xanh hấp, cà rốt, su su, đậu đũa và hành tây hấp, xoài.
– Ngày 16: Cơm nát cuộn rong biển, đậu đũa hấp, hành tây hấp, su su hấp, dưa chuột và đu đủ.
– Ngày 17: Thịt gà rang, khoai tây nướng, cà rốt luộc và kiwi.
– Ngày 18: Súp lơ xanh hấp, que phô mai, bí xanh luộc.
– Ngày 19: Măng tây luộc cùng cà tím nướng, dưa lưới.
– Ngày 20: Bánh mì, bông cải trắng luộc và măng tây xào.
– Ngày 21: Cơm nát trộn củ quả thập cẩm, cánh gà chiên và dâu tây.
– Ngày 22: Bánh mì nướng kèm cà rốt hấp, chuối.
– Ngày 23: Ức gà luộc xé nhỏ, khoai lang nướng và xoài chín.
– Ngày 24: Đậu cove luộc, bí đỏ hấp và bơ chín.
– Ngày 25: Củ cải và su su luộc, táo nướng quế.
– Ngày 26: Khoai tây hấp, đậu Hà Lan hấp, táo nướng.
– Ngày 27: Cánh gà áp chảo, măng tây luộc và táo.
– Ngày 28: Bánh mì thập cẩm cùng cà rốt luộc, kiwi.
– Ngày 29: Bánh mì, cà rốt luộc, đậu đũa hấp và cam.
– Ngày 30: Cánh gà chiên, cơm trộn củ quả và dâu tây.
VI. Công thức và cách nấu thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng kiểu truyền thống đơn giản, dễ làm
1. Cháo bí đỏ nghiền cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Bí đỏ đứng đầu trong danh sách thực phẩm cần có trong chế độ dinh dưỡng cho bé phát triển toàn diện vì có rất nhiều vitamin A, C và chất xơ.
Bí đỏ hấp chín và nghiền nhuyễn kết hợp với sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ cho ra món ăn dặm thơm ngon dinh dưỡng cho bé 6 tháng tuổi.
Chuẩn bị:
– 1 chén bí đỏ gọt vỏ, cắt nhỏ.
– Sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Chế biến:
– Bước 1: Hấp bí đỏ chín mềm.
– Bước 2: Nghiền thật kỹ bí đỏ.
– Bước 3: Bỏ bí đỏ đã nghiền vào nồi và đun cùng ít nước sôi trong 1 phút sau đó thêm sữa khuấy đều.
– Bước 4: Sau khi món ăn đã hòa quyện vào nhau thành hỗn hợp màu cam vàng, để nguội bớt và cho bé dùng khi còn ấm.
2. Khoai lang nghiền cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Khoai lang là thực phẩm lý tưởng giúp hỗ trợ điều trị trẻ sơ sinh bị táo bón nên có thể kết hợp khoai lang với các nguyên liệu khác để củng cố hệ tiêu hóa cho bé.
Chuẩn bị:
– 1 củ khoai lang nhỏ, gọt vỏ, rửa sạch, cắt khoanh.
– Sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Chế biến:
– Bước 1: Ngâm khoai vào nước 5 phút để loại bỏ nhựa và những chất cặn trên bề mặt.
– Bước 2: Hấp hoặc luộc chín sau đó nghiền mịn bằng rây.
– Bước 3: Đun cùng ít nước sôi trong 1 phút và thêm sữa khuấy đều.
– Bước 4: Sau khi hỗn hợp đã kẹo lại và hòa quyện vào nhau, múc ra chén và để nguội đến nhiệt độ phù hợp có thể cho bé ăn.
3. Bơ nghiền cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Bơ là loại trái cây mềm, chứa dồi dào vitamin C, A và khoáng chất như magie, canxi, kali,… cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Chuẩn bị:
– 1 quả bơ cắt theo chiều dọc, tách hạt, lấy thịt.
– Sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Chế biến:
– Bước 1: Xay nhuyễn bơ và lọc lại bằng rây.
– Bước 2: Trộn với sữa và khuấy đều đến khi có dạng sánh lỏng.
– Bước 3: Lấy ra chén và cho bé ăn từng muỗng nhỏ.
4. Chuối nghiền cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Tương tự như bơ, chuối là loại trái cây chứa nhiều vitamin A, vitamin C, magie, canxi, kali, photpho,… với độ mềm dễ chế biến nên là một lựa chọn hàng đầu nên có trong thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng.
Chuẩn bị:
– 1 quả chuối chín, thái khoanh.
– Sữa mẹ/sữa công thức hoặc ngũ cốc.
Chế biến:
– Bước 1: Dùng thìa nghiền nát chuối hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
– Bước 2: Thêm sữa mẹ, sữa công thức đã pha nước hoặc ngũ cốc để tạo thành một hỗn hợp ăn dặm cho bé.
5. Cháo cá hồi và cà rốt cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Cà rốt có hàm lượng lớn carotene có thể chuyển hóa thành vitamin A có lợi cho hệ miễn dịch. Cá hồi chứa lượng lớn omega-3 củng cố hệ tim mạch phát triển. Cháo cá hồi cà rốt là món ăn rất phổ biến trong thực đơn cho bé 6 tháng ăn dặm.
Chuẩn bị:
– 1/2 củ cà rốt.
– 100g thịt cá hồi.
– 1 thìa dầu ăn thực vật hoặc dầu oliu.
Chế biến:
– Bước 1: Nấu cháo theo tỉ lệ 1 gạo : 10 nước.
– Bước 2: Hấp chín cà rốt đến khi mềm và nghiền nhuyễn.
– Bước 3: Loại bỏ hết xương cá, nấu nhừ và nghiền nhuyễn.
– Bước 4: Cho cà rốt và cá hồi đã được nghiền vào nồi cháo trắng, đun nhỏ lửa trong vài phút.
– Bước 5: Thêm 1 thìa dầu ăn, khuấy đều trong 1 phút.
– Bước 6: Rây cháo cho thật mịn, hoặc xay hỗn hợp vừa nấu xong đến khi nhuyễn.
– Bước 7: Múc ra chén, để nguội và cho bé ăn.
6. Cháo cải ngọt và đậu phụ non cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Rau cải ngọt có tác dụng tăng sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa non nớt của bé phát triển tốt hơn. Đồng thời, rau cải kết hợp với đậu phụ non giúp cân bằng lượng cholesterol trong cơ thể, giàu protein, omega-3 và axit amin, món cháo cải ngọt và đậu phụ non không chỉ ngon mà còn dinh dưỡng cho bé.
Chuẩn bị:
– Cải ngọt rửa sạch, cắt nhỏ.
– 50g đậu phụ non.
– 1 thìa dầu ăn.
Chế biến:
– Bước 1: Nấu cháo theo tỉ lệ 1 gạo : 10 nước.
– Bước 2: Luộc rau chín mềm, chần đậu phụ qua nước sôi, nghiền mịn cả 2.
– Bước 3: Cho hỗn hợp vào nồi cháo trắng, đun nhỏ lửa trong vài phút.
– Bước 4: Thêm 1 thìa dầu ăn, khuấy đều.
– Bước 5: Rây hoặc xay hỗn hợp vừa nấu xong đến khi nhuyễn.
– Bước 6: Múc ra chén, để nguội và cho bé ăn.
7. Cháo với cải bó xôi cho bé 6 tháng ăn dặm
Cải bó xôi chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin K và hàm lượng kali cao nên được các chuyên gia khuyến khích trong mọi bữa ăn ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh để giúp củng cố sức khỏe toàn diện ngay từ khi còn nhỏ.
Chuẩn bị:
– Cải bó xôi rửa sạch, cắt nhỏ;
– 1 thìa dầu ăn.
Chế biến:
– Bước 1: Nấu cháo theo tỉ lệ 1 gạo : 10 nước.
– Bước 2: Luộc cải bó xôi chín mềm, nghiền mịn.
– Bước 3: Cho vào nồi cháo trắng, đun nhỏ lửa trong vài phút.
– Bước 4: Thêm 1 thìa dầu ăn, khuấy đều.
– Bước 5: Rây hoặc xay hỗn hợp vừa nấu xong đến khi nhuyễn.
– Bước 6: Múc ra chén, để nguội và cho bé ăn.
8. Cháo yến mạch rau củ cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Yến mạch có rất nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, giúp tăng sức đề kháng, củng cố hệ thần kinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, yến mạch cũng rất dễ tiêu hóa và lành tính nên cả trẻ sơ sinh khó ăn hay bị dị ứng cũng có thể dùng được. Kết hợp với cà rốt và khoai lang, đây là món ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi tuyệt vời để phát triển toàn diện.
Chuẩn bị:
– 20g cà rốt.
– 20g khoai lang.
– 30g yến mạch.
Chế biến:
– Bước 1: Ngâm hạt yến mạch 15-20 phút sau đó đổ 200ml nước và đưa lên bếp đun 10 phút thành cháo chín.
– Bước 2: Hấp hoặc luộc khoai lang, cà rốt và nghiền nhuyễn hỗn hợp.
– Bước 3: Cho rau củ nghiền vào nồi cháo yến mạch, đun nhỏ lửa thêm vài phút nữa.
– Bước 4: Bạn lấy ra chén để nguội và cho bé dùng.
9. Bột gạo bí đỏ cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Chuẩn bị:
– 10g bột gạo.
– 30g bí đỏ
– 1/2 thìa cafe đường.
– 12g sữa công thức bé hay dùng hoặc sữa mẹ.
Chế biến:
– Bước 1: Luộc chín bí đỏ sau đó tán nhuyễn.
– Bước 2: Cho bột gạo vào bát, đổ một ít nước sạch vào và khuấy đều.
– Bước 3: Cho hỗn hợp bột gạo, bí đỏ tán nhuyễn và phần nước còn lại vào nồi. Sau đó, nấu nhỏ lửa, khuấy đều. Để tăng gia vị cho bé dễ ăn, phụ huynh có thể cho thêm chút đường vào.
– Bước 4: Nấu trong 3 phút đến khi bột chín. Đổ bột ra bát sạch, cho dầu ăn vào trộn chung với bột.
– Bước 5: Cho sữa bột vào bát bột và khuấy đều. Cho bé ăn từ 1/2-1 bát/ngày.
10. Bột khoai tây cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Khoai tây có chứa chất oxy hóa lớn và tính kiềm cao giúp làm giảm nồng độ axit trong cơ thể, cân bằng hệ tiêu hóa và vitamin và khoáng chất giúp ích cho sự phát triển toàn diện của bé.
Chuẩn bị:
– Khoai tây 50g đã được rửa sạch.
– Sữa công thức hoặc sữa mẹ.
Chế biến:
– Bước 1: Bỏ khoai tây vào nồi hấp hoặc luộc khoai tới khi chín mềm.
– Bước 2: Bóc vỏ khoai và cho vào bát dùng thìa nghiền nhuyễn.
– Bước 3: Cho sữa công thức hoặc sữa mẹ vào khuấy đều đến khi tạo thành hỗn hợp sánh mịn.
– Bước 4: Lấy ra chén cho bé dùng.
11. Bột ăn dặm thịt gà khoai lang cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi
Thịt gà chứa lượng lớn chất đạm và vitamin A, C, B12,… có lợi cho sự phát triển trí não và thể lực ở trẻ nhỏ cùng nhiều khoáng chất và vi chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé khỏe từ trong ra ngoài.
Chuẩn bị:
– 150g thịt nạc ức gà.
– Khoai lang đã được lột vỏ và cắt hạt lựu.
Chế biến:
– Bước 1: Luộc thịt gà trong vòng 15 phút để thịt chính toàn bộ. Sau đó, để nguội và xe nhỏ thịt.
– Bước 2: Hấp khoai lang đến khi mềm toàn bộ, sau đó tán nhuyễn khoai lang.
– Bước 3: Cho thịt gà và khoai nghiền và 125ml nước vào máy xay nhuyễn tạo thành hỗn hợp sánh mịn.
– Bước 4: Sau khi say hỗn hợp còn nóng, bạn có thể để nguội để cho bé ăn. Để trữ bột, bạn có thể để trong hộp kín trữ đông đến khi dùng thì xả đông và hấp cách thủy là được.
VII. Những lưu ý nấu món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi đúng cách
1. Không nên dùng nước lạnh để nấu cháo
Nước nóng sẽ giúp bảo toàn chất dinh dưỡng trong gạo. Nếu dùng nước lạnh, hạt gạo bị ngấm nước và trương lên khiến chất dinh dưỡng bị nở ra và hoà tan. Bên cạnh đó, cháo nấu bằng nước lạnh thì thời gian và hương vị cháo sẽ không ngon.
2. Không nên hâm đi hâm lại cháo trong 1 ngày
Bé còn nhỏ nên không ăn được lượng nhiều, vì thế chỉ nấu ít cháo đủ ăn, tránh nấu dư và phải hâm lại nhiều lần khiến cháo mất chất dinh dưỡng và mùi vị không còn thơm ngon. Nếu lỡ dư quá nhiều thì nên chia nhỏ và để tủ lạnh.
3. Nên chọn những loại thực phẩm theo mùa để đảm bảo an toàn
Nên lựa chọn các loại rau củ theo mùa để đảm bảo được độ tươi và tránh được dư lượng của thuốc bảo quản, tăng trưởng. Nếu có điều kiện, nên chọn các loại rau củ được trồng theo phương pháp hữu cơ, không phun những loại thuốc có hại cho sức khỏe.
4. Không nên rã đông thực phẩm bằng nước nóng hay nhiệt độ phòng
Tuyệt đối không dùng nước sôi để rã đông thực phẩm hoặc để rã đông theo nhiệt độ phòng vì vi khuẩn sẽ có điều kiện để phát triển, khiến thực phẩm bị hư dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cho bé là rất cao. Bên cạnh đó, rã đông bằng nước nóng sẽ làm hao hụt lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm.
Để rã đông đúng cách, trước khi nấu khoảng 4-5 tiếng, mẹ nên cho xuống ngăn mát để thực phẩm được rã đông từ từ. Cách này vừa giúp thực phẩm giữ được sự tươi ngon, vừa giữ được chất dinh dưỡng.
5. Không cho gia vị vào thức ăn dặm của bé
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh – Bác sĩ Chuyên khoa 2 ngành Nội nhi, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM:
“Thức ăn dặm của trẻ dưới một tuổi không nêm thêm bất kỳ gia vị gì đặc biệt là muối, nước mắm. Vì thận của trẻ còn non yếu chưa lọc hết được lượng gia vị thêm này. Đặc biệt trẻ cũng chưa ăn được mật ong cho đến khi trẻ trên 12 tháng tuổi nhé!”
VIII. Những câu hỏi thường gặp về việc cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm
1. Nguyên nhân khiến bé bị nghẹt thở khi ăn?
Theo Bounty, có một số nguy cơ khiến trẻ bị nghẹn như:
– Thức ăn cứng, kích thước to
– Thực phẩm tròn nhỏ, như nho
– Thực phẩm có da, như xúc xích
– Thực phẩm có xương
Bên cạnh đó, mẹ nên cho bé ngồi thẳng lưng trên ghế cao, hướng về phía trước và hãy trông chừng khi con đang ăn, nhằm đảm bảo an toàn.
2. Bé 6 tháng ăn được trái cây gì?
Theo như các chuyên gia dinh dưỡng, bố mẹ nên cho bé các loại trái cây mềm như chuối, bơ, quýt hoặc dùng nước ép táo, lê với một lượng nhỏ, mỗi lần ăn chỉ bằng đầu muỗng để bé làm quen dần và bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất cho bé.
3. Trẻ 6 tháng tuổi có ăn trứng được không?
Mẹ có thể cho bé 6 tháng tuổi ăn trứng nhưng phải nghiền nhuyễn ra. Đồng thời, trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng, mẹ nên kết hợp trứng với sữa mẹ hoặc nước để tạo hỗn hợp có kết cấu lỏng, giúp bé dễ tiêu hóa, dễ nuốt.
4. Trẻ 6 tháng tuổi có ăn được sữa chua không?
Trẻ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn các loại kem và sữa chua ngon theo đúng liều lượng khuyến cáo.
5. Trẻ 6 tháng tuổi có thể uống nước trái cây không?
Các bác sĩ nhi khoa cũng không khuyến khích cho trẻ uống nước trái cây thường xuyên vì loại nước này chỉ bổ sung thêm calo mà không có hàm lượng dinh dưỡng cân bằng trong sữa công thức và sữa mẹ.