Sự tò mò của trẻ nhỏ vừa là lợi thế nhưng cũng vừa là mối nguy tiềm ẩn. Đôi khi sẽ khó tránh khỏi những tình huống khiến bố mẹ “thót tim” bởi chính tính tò mò không được phát huy đúng chỗ, đúng cách của con. Ví dụ như trường hợp dưới đây được một phụ huynh chia sẻ trong hội nhóm nuôi dạy con.
Theo đó, một cậu bé 5 tuổi tên A Kiệt (Trung Quốc) vì bố mẹ bận đi công tác nên được giao cho bà nội chăm sóc. Buổi trưa, bà dặn A Kiệt ở nhà ngoan còn mình xuống siêu thị mini dưới chung cư để mua ít đồ chuẩn bị cho bữa cơm. Sau khi bà nội đi được 10 phút thì trở về, nhưng lúc này vừa mới đến cửa nhà liền nghe tiếng khóc và kêu cứu thất thanh của cháu trai.
Bà nội hốt hoảng chạy vào nhà kiểm tra, đến phòng tắm thì tá hoả với cảnh tượng trước mắt. A Kiệt toàn thân tím ngắt, người run rẩy, sợ hãi khóc lớn. Bà nội tưởng cậu bé gặp vấn đề nguy hiểm nên vội vàng bế A Kiệt ra phòng khách. Tuy nhiên sau khi quan sát khắp người thì bà không thấy cháu trai có vết thương gì, chỉ là toàn thân đứa trẻ không biết đã dính một chất lỏng màu tím gì?
Bà nội trấn an, dỗ dành A Kiệt và hỏi chuyện cậu bé, lúc này A Kiệt mới bình tĩnh lại và nói rằng, mình tìm thấy một chiếc lọ màu tím trong tủ phòng khách, cảm thấy tò mò nên muốn mang ra xem. Nhưng vì không cẩn thận nên lúc mở nắp chai đã khiến chiếc lọ rơi xuống đất và bị đổ, dính vào người.
Sau khi nghe cháu trai thuật lại toàn bộ câu chuyện, người bà mới hiểu ra vấn đề và đưa A Kiệt vào tắm rửa. Mặc dù không có sự việc xấu gì xảy ra, nhưng bà nội cảm thấy vô cùng hối hận vì đã để những thứ như thuốc hoặc các đồ dùng có khả năng phát sinh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ ở gần khu vực bé có thể tiếp xúc.
Qua tình huống này, bà nội A Kiệt đã lập tức dọn dẹp và sắp xếp lại toàn bộ đồ dùng trong nhà, những thứ cần tránh xa tầm tay trẻ em để phòng những trường hợp nguy hiểm chẳng may phát sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tâm lý của cháu trai.
Trên thực tế, những hoàn cảnh gây “thót tim” tương tự như trên không phải là hiếm gặp trong nhiều gia đình. Điều quan trọng là trong quá trình chăm sóc con trẻ, bố mẹ cần có sự sát sao và cẩn trọng hơn để kịp thời phát hiện và đưa ra cách xử lý phù hợp. Nếu có thể, tốt nhất bố mẹ nên giáo dục ý thức cho con càng sớm càng tốt.
Đôi khi, trong nhà chưa chắc đã là nơi an toàn nhất cho trẻ nhỏ, bởi thực tế có những vật dụng, vị trí quen thuộc là mối nguy hiểm tiềm tàng cho trẻ, bố mẹ nên chú ý hơn.
– Điện và ổ cắm: Ổ cắm và đường dây điện không được bảo vệ có thể gây nguy hiểm cho trẻ khi bé chọc vào hoặc cố gắng đút tay vào vì tò mò. Đó là lý do mà bố mẹ cần đảm bảo rằng tất cả các ổ cắm đều được che kín, và đường dây điện được dẫn qua nơi không thể tiếp xúc trực tiếp với trẻ.
– Vật dụng sắc nhọn: Một số vật dụng sắc nhọn như dao, kéo, kim,… hoặc các vật dụng tương tự có thể là nguy cơ đe doạ đến sự an toàn của trẻ. Tốt nhất bố mẹ nên đặt chúng ở những nơi mà trẻ không thể tiếp cận được, càng xa tầm tay của con càng tốt.
– Hóa chất và thuốc: Hóa chất như chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, hoá chất làm đẹp và thuốc có thể gây nguy hiểm nếu trẻ tiếp xúc hoặc nuốt phải. Vậy nên người lớn trong nhà cần cẩn trọng, không đặt chúng lung tung ở những nơi mà trẻ hay chơi đùa và hãy nhớ đậy nắp các vật dụng này thật chặt.
– Cửa sổ, ban công: Trẻ có thể rơi vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng nếu chơi đùa ở khu vực cửa sổ hoặc ban công trong nhà mà không có sự giám sát của người lớn. Để an toàn, khi ra ngoài hoặc không trực tiếp bên cạnh con, bố mẹ nên khóa chặt cửa hoặc có các biện pháp an toàn như lưới chắn.
– Đồ chơi và vật dụng nhỏ: Một số đồ chơi và vật dụng nhỏ như viên bi, chiếc ghim, nam châm có thể gây nguy hiểm nếu trẻ vô tình nuốt phải. Đó là lý do mà bố mẹ cần chắc chắn rằng các đồ chơi dành cho con không chứa các bộ phận nhỏ hoặc dễ tách rời, khi bé ở độ tuổi chưa nhận thức được về các thứ đồ này.
– Nhiệt độ và lửa: Bố mẹ tuyệt đối không để con có cơ hội tiếp xúc với các nguồn nhiệt, lửa hoặc vật liệu gây cháy trong nhà. Giữ trẻ cách xa khu vực bếp núp để tránh tình huống nguy hiểm cho chính con và cả gia đình.
– Khu vực ao hồ, bể bơi: Trẻ nhỏ có nguy cơ đuối nước rất cao, vì vậy hãy giữ con tránh xa khu vực hồ bơi, bồn tắm và các nguồn nước nếu như không có sự giám sát của người lớn xung quanh.
Bố mẹ cần làm gì để giảm thiểu tình huống phát sinh nguy hiểm bởi tính tò mò của con trẻ?
– Tạo môi trường an toàn: Tạo ra một môi trường sống an toàn cho con bằng cách che chắn các nguồn gây nguy hiểm như ổ cắm điện, chất độc và vật dụng sắc nhọn. Đảm bảo rằng các vùng nguy hiểm được giữ xa tầm với của trẻ và sử dụng các thiết bị bảo vệ phù hợp.
– Giám sát chặt chẽ: Theo dõi con một cách cẩn thận và liên tục, đặc biệt khi trẻ đang trong độ tuổi thích khám phá thế giới. Việc giám sát đảm bảo rằng bố mẹ có thể can thiệp kịp thời nếu có tình huống nguy hiểm nào xảy ra, và ngăn chặn chúng trước khi nó trở nên nguy hiểm.
– Giáo dục về an toàn: Dành thời gian để giảng dạy con trẻ về các khía cạnh an toàn của môi trường sống xung quanh. Hướng dẫn con về cách sử dụng đúng các vật dụng trong nhà, tránh tiếp cận các nguy hiểm và đánh giá rủi ro. Thông qua việc giáo dục, trẻ sẽ có kiến thức và nhận thức về an toàn để con có thể tự bảo vệ chính mình trong tình huống vắng bố mẹ hoặc người lớn bên cạnh.
– Thiết lập khu vực an toàn: Xác định các khu vực an toàn trong nhà hoặc ngoài trời mà con trẻ có thể tự do khám phá mà không gặp nguy hiểm, và không cần sự can thiệp liên tục của người lớn.
– Kiểm tra định kỳ: Thường xuyên kiểm tra đồ chơi, vật dụng và môi trường sống của con để phát hiện và khắc phục các nguy cơ tiềm ẩn. Điều này đảm bảo rằng mọi thứ xung quanh trẻ đều an toàn và không gây nguy hiểm cho sức khỏe, cũng như sự phát triển toàn diện, lành mạnh của con.