Xã hội phát triển kéo theo đời sống con người cao hơn, nhu cầu có nhà đẹp xe xịn là điều ai cũng mong muốn có trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng sự thay đổi này nhiều khi lại vô tình trở thành rào cản khó hòa nhập giữa con người, giữa những người bố người mẹ và chính giữa những các em bé với nhau. Điều kiện vật chất khác nhau giữa các gia đình cũng làm cho suy nghĩ, quan điểm của trẻ bị ảnh hưởng, không ít bé đã biết so sánh, đặt câu hỏi bối rối cho bố mẹ về hoàn cảnh sống của gia đình so với bạn bè trong lớp.
Câu chuyện của một người mẹ 32 tuổi, vô tình trở thành nhân vật chính gây tranh cãi trong nhóm chát lớp phụ huynh, đã để lại nhiều suy nghĩ cho những bậc làm cha mẹ về cách dạy dỗ con trong xã hội vật chất lên ngôi như hiện nay.
Theo Sohu, người mẹ trẻ có tên Tiểu Lý vừa có trải nghiệm không mấy tốt đẹp khi ngay ngày đầu tiên đưa con đi học đã gặp phải chuyện tranh cãi. Con trai Tiểu Lý 6 tuổi, vừa bước vào tiểu học công lập, thông thường việc đưa đón con trai đi học là do giúp việc trong gia đình đảm nhiệm. Nhưng hôm đó, do giúp việc có việc riêng ở quê, xin nghỉ 1 tuần nên Tiểu Lý đã lái xe riêng của gia đình đi đón con trai.
Hình ảnh của Tiểu Lý được chụp lại đăng vào nhóm chát phụ huynh
Vì không quen đường nên Tiểu Lý xuất phát từ rất sớm và có mặt ở cổng trường trước giờ tan học của con trai đến cả tiếng đồng hồ. Chiếc siêu xe màu đỏ nổi bật, kiểu dáng sang trọng đứng đậu ngoài cổng trưởng đã trở thành tâm điểm chú ý của đám đông. Vốn dĩ đưa đón con đi học toàn bằng các phương tiện bình dân như xe đạp, xe máy nên việc Tiểu Lý đi hẳn siêu xe đón con khiến đám đông phụ huynh chề môi, ỏng eo chế giễu.
Được biết, giá trị của chiếc xe lên tới hơn 8 triệu nhân dân tệ (khoảng 27,6 tỷ đồng). Tiểu Lý e ngại các ánh mắt, đã ngồi hẳn trong xe chờ tới giờ những vẫn không tránh khỏi những ý kiến bình luận về chiếc xe của mình. Nghĩ rằng, không cần quá quan tâm đến mọi chuyện xung quanh, cô lặng lẽ đón con rồi lái xe về nhà.
Đám đông xung quanh dè bỉu việc Tiểu Lý lái siêu xe đi đón con
Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, không ngờ về nhà cô phát hiện một ai đó đã chụp lại hình ảnh chiếc xe, thả vào nhóm chat phụ huynh trong lớp và bàn tán xôn xao. “Giờ có lắm người thích khoe mẽ nhỉ, đi bộ đi đón con chắc mỏi chân nên phải lái siêu xe cho bõ”, “Chắc xe thuê đi đón con 1 lần cho nở mày nở mặt với thiên hạ”, “Đi xe này đi họp phụ huynh là được cô giáo và cả trường nhớ tên luôn, khỏi cần giới thiệu”… Hàng loạt những bình luận cười cợt, chế giễu bên trong nhóm chát chung.
Bất đắc dĩ trở thành nhân vật chính, không giữ được bình tĩnh, Tiểu Lý đã trực tiếp phản pháo: “Đây là chiếc xe của tôi, tôi đi đón con bằng xe của mình là sai à? Hơn nữa đó cũng là chiếc xe rẻ nhất trong gara nhà tôi, tôi có làm gì quá đáng không mà mấy người lắm chuyện như vậy?”.
Cha mẹ sống hay so sánh, coi trọng tiền bạc vô tình ảnh hưởng đến đức tính của con cái
Trước phản ứng của Tiểu Lý, những bậc phụ huynh kia nín thinh, lảng sang chuyện khác để đỡ mất mặt. Tiểu Lý dù đã dẹp yên mọi chuyện nhưng sóng lòng vẫn xao xác, lo lắng cho con trai sống trong một môi trường giáo dục không mấy thân thiện, cô quyết định đăng tải câu chuyện của mình lên MXH, để chia sẻ và tìm cách giải quyết sự việc.
Trong xã hội ngày nay, không chỉ trẻ con mà ngay cả những bậc cha mẹ cũng có tâm lý so sánh, cạnh tranh với nhau. Không chỉ so sánh về việc mặc quần áo của hãng nào, ăn đồ ăn gì, ở nhà loại nào, được bố mẹ đưa đón bằng phương tiện đi lại nào…. mà đến cả thành tích học tập của con, con luyện thi ở đâu, học cô giáo nào… cùng được đặt lên bàn cân so sánh giữa các bậc phụ huynh với nhau.
Điều này vô tình gây áp lực lên đứa trẻ, khiến đứa trẻ cũng tự nhiên mang tâm lý hơn thua với bạn bè xung quanh, lớn lên sẽ trở thành người sống thực dụng, coi trọng vật chất, tiền bạc hơn những giá trị cốt lõi khác của con người. Chính vì vậy, bố mẹ phải làm như thế để có thể giúp con có những giá trị sống đúng đắn trong xã hội?
Bố mẹ là tấm gương để con cái noi theo học tập
1. Làm gương cho con trẻ
Cùng với nhà trường thầy cô, bố mẹ là người thầy quan trọng nhất, theo suốt cuộc đời các con. Ngay từ khi con chào đời, mọi hành động cử chỉ của bố mẹ đều có ảnh hưởng lên con. Vì vậy, cha mẹ muốn con mình trở thành người như thế nào trước tiên bản thân mình phải trở thành người như vậy.
Ví dụ, nếu bố mẹ muốn con chăm chỉ học tập thì cha mẹ phải thể hiện niềm yêu thích học tập, thích đọc sách, tự giác ngồi vào bàn học, để con tiếp tục bắt chước hành vi của cha mẹ và tự giác có trách nhiệm việc học.
2. Dạy con có quan niệm đúng đắn về tiền bạc
Dù là gia đình giàu hay gia đình nghèo, sau khi con cái đến một độ tuổi nhất định đều phải dạy con về quan niệm tiền bạc. Chắc chắn thời điểm khi đã nhận thức được, trẻ sẽ nhiều lần đặt câu hỏi về sự giàu nghèo. Bố mẹ lúc này nên trung thực với hoàn cảnh, nói rằng bố mẹ tuy nghèo nhưng vẫn luôn cho con những thứ tốt nhất trong khả năng, bố mẹ đang làm việc rất chăm chỉ để các con có cuộc sống tốt nhất có thể. Gia đình chúng ta có thể không có biệt thự, xe hơi giàu có như các bạn nhưng gia đình ta có sự ấm áp và yêu thương, đó mới là điều quan trọng nhất của một gia đình, cha mẹ nên cho con biết rằng dù nghèo hay giàu thì đó chỉ là điều kiện bên ngoài.
3. Tạo cho con môi trường gia đình tốt đẹp
Muốn con cái trở nên xuất sắc, chúng ta phải tạo cho chúng một môi trường gia đình tốt. Trước hết, cha mẹ không được có tâm lý so sánh và tôn trọng hòa hợp với nhau, tránh tranh cãi tiền bạc, mâu thuẫn kinh tế trước mặt các con. Sống trung thực, có trách nhiệm, tôn trọng bạn đời, chia sẻ công việc gia đình chung là cách bố mẹ hướng con đến những đức tính tốt đẹp trong cuộc sống.