Bánh ăn dặm có tác dụng như thế nào với bé?
– Hỗ trợ bổ sung hàm lượng các chất dinh dưỡng cần thiết: Trong bánh ăn dặm thường có các nguyên liệu như lúa mì, ngũ cốc, rau củ, rong biển… Đây là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ, canxi…tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
– Kích thích và phát triển vị giác của bé: Việc bổ sung thêm bánh ăn dặm ngoài cháo, súp, cơm sẽ giúp trẻ nếm được nhiều mùi vị khác nhau, phát triển, kích thích vị giác của bé một cách tự nhiên, đa dạng.
Bánh ăn dặm mang đến nhiều lợi ích dành cho sức khỏe của bé. (Ảnh minh họa)
– Rèn luyện kỹ năng nhai và nuốt: Thông qua thói quen ăn bánh ăn dặm, bé sẽ được học cách cầm nắm, nhai, nuốt các loại thức ăn dễ nhai khác như rau, trái cây, cơm…
– Tiết kiệm thời gian dành cho mẹ: Các loại bánh ăn dặm đều chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ ở giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, mẹ hoàn toàn có thể tiết kiệm được thời gian mà bé vẫn có một bữa ăn đầy đủ chất.
– Kích thích hệ tiêu hóa: Chất xơ trong bánh ăn dặm sẽ giúp cân bằng axit trong dạ dày của trẻ, làm mềm phân, giảm phân sống và tiêu chảy, dạ dày co bóp để tiêu hóa cũng giúp bé hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Thời điểm thích hợp để cho bé ăn bánh ăn dặm
Bắt đầu từ giai đoạn 6 tháng trở lên, sữa mẹ sẽ không đủ để cung cấp các nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho bé và đây cũng là thời điểm hệ tiêu hóa của bé được phát triển hoàn chỉnh để hấp thụ được thức ăn đặc. Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ chỉ cho bé ăn dặm khi đã đủ 6 tháng tuổi.
Thực phẩm là bánh ăn dặm nên thích hợp ăn khi bé bắt đầu mọc răng do thời điểm này bé mọc răng sẽ có tình trạng bị ngứa nướu nên sẽ rất thích ăn các loại thức ăn có tính cứng hơn cháo hoặc súp.
Bé nên ăn bánh ăn dặm khi đã mọc răng. (Ảnh minh họa)
Tuy vậy, mẹ cần phải lưu ý việc dùng bánh cho bé ăn dặm phải đảm bảo phù hợp với sức khỏe của bé và được lựa chọn kỹ càng. Nếu có sự tư vấn từ các chuyên gia hoặc bác sĩ là tốt nhất.
Thông thường, các món bánh dặm mẹ có thể sắp xếp vào những bữa phụ sáng hoặc bữa phụ xế chiều. Ngoài ra, để thay đổi khẩu vị cho bé, mẹ có thể làm bánh ăn dặm cho bé để ăn thêm sau các bữa ăn chính.
Lưu ý khi mẹ làm bánh ăn dặm cho bé
Khi làm bánh ăn dặm cho bé, mẹ nên đảm bảo trong bánh có đầy đủ 4 loại thực phẩm thiết yếu như:
– Chất bột đường: Thường chủ yếu có trong bột mì, gạo hay ngũ cốc…
– Chất béo: Thường có trong dầu, mỡ, bơ…
– Đạm: Chủ yếu có trong thịt, cá, trứng, sữa…
– Khoáng chất và vitamin: Thường có trong các loại thực phẩm rau củ, hải sản…
Bên cạnh đó, mẹ nên cân nhắc cho bé ăn bánh 1 lần/ ngày, xen kẽ cùng các món ăn dặm khác hoặc dùng cách ngày và chú ý đến tiến trình ăn dặm của các con:
– Ở giai đoạn 5-7 tháng tuổi: Bánh cần phải mềm, mịn, dễ dàng tan nhanh trong miệng.
– Ở giai đoạn 8-10 tháng tuổi: Bánh cần xốp, giòn hơn nhưng cần giữ được độ bền, không quá khô.
– Ở giai đoạn 10-12 tháng tuổi: Bé có thể ăn những loại bánh có độ giòn, khô hơn như bánh gạo.
Mách mẹ cách làm bánh ăn dặm cho bé siêu đơn giản tại nhà
Bánh ăn dặm muffin chuối
– Nguyên liệu: Sữa công thức pha sẵn, chuối sứ chín, bột mì, lòng đỏ trứng gà
– Cách làm:
+ Đánh đều lòng đỏ trứng gà cùng sữa để tạo thành hỗn hợp bông lên.
+ Băm nhỏ chuối chín rồi cho chuối với bột mì vào cùng với hỗn hợp ban đầu và liên tục đánh để cho hỗn hợp đặc lại thì chia ra khay hoặc khuôn bánh.
+ Nướng bánh ở 180 độ C trong khoảng 20 phút có thể dùng.
Bánh chuối hấp nước cốt dừa
– Nguyên liệu: Bột bắp (ngô), chuối chín xay nhuyễn, nước cốt dừa
– Cách làm:
+ Đổ nước cốt dừa vào cùng bột bắp và chuối xay nhuyễn rồi trộn đều thành hỗn hợp đồng nhất.
+ Chia hỗn hợp này thành các phần nhỏ để trong hũ hoặc khay hấp rồi mang đi hấp khoảng 15 phút là bánh chín có thể dùng được.
Bánh bí đỏ dạng bánh kếp
– Nguyên liệu: Bột mì, lòng đỏ trứng gà, sữa bột hoặc sữa công thức, bột nở, dầu hoặc bơ thực vật, bí đỏ đã hấp chín và nghiền nhuyễn.
– Cách làm:
+ Trộn đều hỗn hợp bí đỏ nghiền và lòng đỏ trứng gà, sau đó cho lần lượt các nguyên liệu ướt như sữa, dầu/bơ vào và tiếp tục trộn đều.
+ Rây lần lượt bột mì và bột nở vào bát và trộn đều.
+ Trộn 2 hỗn hợp với nhau, mẹ cần phải trộn đều tay và nhanh để tránh hỗn hợp bị chai, khi nướng lên bánh sẽ không nở mềm.
+ Múc từng muỗng canh hỗn hợp cho lên chảo chống dính (để hạn chế lượng dầu mỡ trong bánh).
+ Khi lấy bánh bắt đầu kết lại, không còn dính chảo thì mẹ lật đều 2 mặt đến khi bánh vàng, mềm và không còn ướt là dùng được.
Bánh khoai lang
– Nguyên liệu: Bột bắp, bột mì hữu cơ, bột nở (baking powder), khoai lang đã hấp chín và nghiền mịn, sữa bột hoặc sữa công thức, lòng đỏ trứng gà, vừng (mè) đen (nếu có)
– Cách làm:
+ Trộn lần lượt các hỗn hợp ướt như sữa, lòng đỏ trứng, khoai lang nghiền, dầu oliu cho đến khi đều màu, mềm mịn.
+ Rây lần lượt các hỗn hợp khô vào bát, đảo đều đến khi bột mịn.
+ Cho các hỗn hợp khô vào bát của nhóm nguyên liệu còn lại rồi đảo cho bột thấm.
+ Đổ hỗn hợp này ra thớt/ bàn và dùng tay đảo đều đến khi thành khối dẻo mịn.
+ Cán khối bột thành một lớp mỏng rồi dùng dao khung để tạo hình cho bánh…rồi dùng nĩa xăm lên mặt bánh.
+ Tác bánh đưa lên giấy nến để bắt đầu nướng
+ Tiếp tục đưa bánh vào lò nướng/ nồi chiên không dầu đã được làm nóng trong 15 phút ở nhiệt độ 170 độ.
+ Nướng trong vòng 15 – 20 phút đến khi bánh vàng đều, kết lại là chín.
Bánh trứng gà
– Nguyên liệu: bột mì, lòng đỏ trứng gà
– Cách làm:
+ Đem bột mì rây mịn, sau đó cho lòng đỏ trứng với một ít nước lọc vào trộn đều tạo thành một hỗn hợp sền sệt.
+ Cho một ít dầu ô liu lên chảo nóng và múc từng muỗng bột rán đến khi vàng đều là được.
Bánh nướng đậu xanh
– Nguyên liệu: Đậu xanh đã bóc vỏ, bột mì, bơ lạt, lòng đỏ trứng, sữa công thức.
– Cách làm:
+ Hấp chín đậu xanh rồi xay nhuyễn cùng sữa.
+ Cho lòng đỏ trứng gà, bột mì, bơ lạt vào đảo đều.
+ Phết thêm một lớp bơ hoặc dầu ăn mỏng lên khuôn bánh rồi đổ hỗn hợp vào mang bánh đi nướng trong 30 phút cho bánh chín vàng là được.
Bánh flan
– Nguyên liệu: Bột năng, đường cát, lòng đỏ trứng đã tách, hũ đựng bánh, rây để lọc.
– Cách làm:
+ Đánh tan các hỗn hợp bột năng, đường, lòng đỏ trứng gà sao cho hỗn hợp không bị nổi bọt khí.
+ Pha sữa công thức còn ấm ấm đổ vào hỗn hợp trên, vừa đổ vừa khuấy nhẹ đều tay.
+ Lọc hỗn hợp qua rây 2 lần cho thật mịn rồi đổ vào trong từng hũ đựng, mang hấp cách thủy ở nhiệt độ 160 độ C trong 40 phút.
+ Chờ thành phẩm nguội rồi dùng màng bọc thực phẩm che kín miệng và cho vào tủ lạnh bảo quản.
Bánh gạo sữa công thức ăn dặm
– Nguyên liệu: Đường, bột bắp (ngô), sữa bột công thức của bé
– Cách làm:
+ Cho sữa công thức, bột bắp, đường vào trong nồi.
+ Khuấy thật đều hỗn hợp này trên lửa nhỏ đến khi hỗn hợp này sánh lại thì tắt bếp.
+ Đổ hỗn hợp sữa ra hộp, sau đó đậy nắp và cho vào ngăn mát tủ lạnh 2 tiếng.
+ Lấy ra cắt miếng vừa ăn và cho bé ăn dặm.
Bánh crepe kiwi
– Nguyên liệu: bột mì, bơ lạt đã đun chảy, sữa công thức, trứng gà, kiwi
– Cách làm:
+ Đánh tan cùng với sữa rồi cho bột mì và bơ lần lượt vào trộn cùng.
+ Để hỗn hợp này trong tủ lạnh 20 phút.
+ Cắt kiwi thành hạt lựu
+ Bắc chảo lên bếp làm nóng.
+ Phết một lớp bơ lên chảo, tráng từng lớp bột mỏng với lửa nhỏ tầm 2 phút là bánh chín.
+ Cuối cùng trải bánh ra dĩa với kiwi ở giữa, rồi gấp bánh lại là xong.
Bánh rán khoai tây và rau chùm ngây
– Nguyên liệu: Rau chùm ngây, khoai tây, bơ, trứng gà, bột chiên xù, hạt lanh
– Cách làm:
+ Khoai tay gọt sạch vỏ bào thành sợi, rau chùm ngây rửa sạch để ráo nước
+ Cho các nguyên liệu trừ bơ vào trộn đều để tạo thành hỗn hợp sền sệt là được.
+ Cuối cùng cho bơ vào chảo nóng và múc từng muỗng bánh vào chiên đến vàng đều là được.
Có rất nhiều cách làm bánh ăn dặm cho bé tại nhà dành cho mẹ, tùy theo sở thích của bé mà mẹ có thể lựa chọn cách làm phù hợp nhất. Dù là chọn loại bánh ăn dặm nào thì yếu tố về dinh dưỡng và hương vị tự nhiên vẫn nên được đặt lên hàng đầu. Nếu không chắc chắn về các vấn đề ăn dặm của bé, mẹ hãy tham khảo tư vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa.