Cuộc sống gia đình có nhiều biến cố khác nhau khiến những cuộc cãi vã, tranh luận giữa vợ và chồng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên các bậc cha mẹ nên lưu ý đừng để điều đó làm ảnh hưởng tâm lý của con nhỏ, hay nói cách khác, tuyệt đối không nên cãi nhau trước mặt con.
Một ví dụ dưới đây của vợ chồng nhà nữ kiện tướng dancesport Khánh Thi dù mang tính chất hài hước nhưng như một lời khuyên đầy ý nghĩa cho những ai đang làm cha mẹ. Theo đó trên fanpage của gia đình Khánh Thi Phan Hiển đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh cô con gái nhỏ Anna đang ngồi ăn một cách ngon lành không hề biết rằng phía sau lưng mình, bố và mẹ đang có một cuộc cãi nhau vô cùng căng thẳng.
Khánh Thi và Phan Hiển liên tục “khua tay múa chân” thể hiện sự không hài lòng của mình với đối phương. Tuy nhiên biểu hiện của cặp cha mẹ ngay lập tức thay đổi khi thấy con gái Anna quay người lại. Anna như linh cảm được điều gì đó phía sau lưng mình nên dừng ăn để quay lại nhìn bố mẹ, đó cũng là lúc Phan Hiển, Khánh Thi “lật mặt” từ cãi nhau bỗng trở nên ôm nhau thân thiết, cùng nhau nhảy một điệu nhảy lãng mạn.
Thấy bố mẹ yêu thương, cười nói với nhau, Anna yên tâm xoay người lại tiếp tục ăn uống. Khánh Thi và Phan Hiển tiếp tục tràng cãi vã của mình.
Tuy rằng đây chỉ là một đoạn clip mang tính chất dàn dựng hài hước nhưng mang thông điệp và ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Khánh Thi Phan Hiển là cặp bố mẹ 3 con, cả hai đã quá thừa hiểu được trẻ bị tác động, ảnh hưởng lớn như thế nào nếu chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã. Chính vì thế cả hai như ngầm đưa ra lời khuyên cho tất cả các bậc phụ huynh, hãy kìm nén cơn giận của mình trước mặt con nhỏ, thay vào đó là những cử chỉ yêu thương dành cho đối phương. Và chỉ nên cãi nhau, đấu tranh trong không gian có hai người.
Trước đó, cặp bố mẹ này cũng đã từng một lần chia sẻ về một câu chuyện thực tế với tình huống tương tự. Theo đó không chỉ 1 lần, Kubi chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau rất nhiều lần. Khánh Thi Phan Hiển không hề nghĩ rằng con trai bị ám ảnh bởi những trận cãi nhau của bố mẹ, cho đến khi cậu nhóc thường xuyên có những lời cầu nguyện trước mỗi lần đi ngủ đã khiến người làm cha như Phan Hiển bất giác như bừng tỉnh.
“Kubi bây giờ lớn rồi nên có những câu nói khiến tôi phải chạnh lòng. Trước khi đi ngủ bé hay cầu nguyện, nó không cầu nguyện nhỏ trong miệng vì trẻ con mà. Câu nói đầu tiên là: ‘Kubi mong cho 2 ba mẹ yêu thương nhau’. Kể cả khi tôi là một người đàn ông, tôi cũng phải xúc động”.
Khánh Thi nói thêm “Kubi là người chứng kiến cảnh tôi và Hiển cãi nhau, kéo vali ra khỏi nhà rất nhiều. Tôi nghĩ từ đó mà Kubi buồn và mong ba mẹ nó hạnh phúc với nhau”.
Thực tế nhiều chuyên gia, bác sĩ tâm lý đã khẳng định khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau, trẻ sẽ có suy nghĩ khác nhau tuỳ vào độ tuổi. Tuy nhiên, nhìn chung, đa số trẻ đều cảm thấy bất an, lo lắng và sợ hãi, thậm chí, một số trẻ sẽ cho rằng mình là nguyên nhân làm cho bố mẹ cãi nhau hoặc bố mẹ sẽ không yêu thương mình nữa. Những suy nghĩ, cảm xúc này có thể là nhất thời nhưng cũng có thể ám ảnh trẻ trong một thời gian dài.
Gia tăng xu hướng bạo lực
Khi nhìn thấy cha mẹ cãi vã, thậm chí là đánh nhau thường xuyên, trẻ trẻ tin rằng đây là cách giải quyết vấn đề và sẽ giải quyết vấn đề theo cách của cha mẹ. Điều này có thể khiến trẻ thất bại trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ.
Rối loạn cảm xúc
Cha mẹ cãi nhau trước mặt trẻ có thể gây ra những đau khổ tột cùng về cảm xúc. Chứng kiến những trận đánh nhau thường xuyên giữa cha mẹ có thể hình thành cảm xúc tiêu cực ở trẻ. Trẻ có thể gặp một số vấn đề tâm lý như lo lắng và trầm cảm .
Gặp các vấn đề về sức khỏe
Nhìn thấy cha mẹ cãi nhau thường xuyên, trẻ có thể cảm thấy lo lắng, chán nản và bất lực. Kết quả là, những đứa trẻ này có thể bỏ ăn hoặc ăn quá nhiều. Chúng có thể bị đau đầu hoặc đau dạ dày. Chúng thậm chí có thể khó ngủ vào ban đêm. Cãi nhau giữa cha mẹ có thể làm phát sinh những vấn đề hành vi ở trẻ.
Ảnh hưởng đến sự phát triển trí não
Mối quan hệ gia đình căng thẳng có thể dễ dàng khiến trẻ lo lắng, sợ hãi và sợ hãi. Các nghiên cứu từ Đại học Stanford cho thấy khi trẻ cảm thấy căng thẳng và sợ hãi, não bộ sẽ tiết ra một chất độc hại sẽ làm tổn thương các dây thần kinh não bộ ở vùng trí nhớ của trẻ.
Dù biết ảnh hưởng nặng nề của việc cãi nhau trước mặt con là thế, cha mẹ ắt hẳn sẽ có những lần không thể kiềm chế cảm xúc mà lớn tiếng với nhau trước mặt con.
Những lúc như thế, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau để tránh gây ảnh hưởng đến con:
Tuyệt đối không để con thành “bên thứ 3” trong cuộc cãi vã:
Cha mẹ hãy chắc chắn rằng không kéo trẻ vào những cuộc cãi nhau của mình. Nếu trẻ buộc phải lựa chọn đứng về mẹ hoặc cha, trẻ cảm thấy bị giằng xé và bối rối và cuối cùng có thể tự trách mình về kết luận của cuộc cãi nhau đó.
Nếu đã lỡ tranh luận trước mặt trẻ, hãy hòa giải trước mặt con
Nếu trẻ đã chứng kiến cuộc cãi vã, cha mẹ hãy cố gắng cho con thấy được khoảnh khắc cả hai hòa giải. Khi đó, con sẽ nhận thức được dù có bất đầu, mâu thuẫn thì mọi việc đều sẽ có hướng giải quyết của nó.