Cuộc hôn nhân 8 năm của Đan Trường và vợ cũ đại gia Thuỷ Tiên hái “trái ngọt” là cậu quý tử Mathis Thiên Từ. Mặc dù không thể cho con trai một gia đình trọn vẹn, nhưng Đan Trường và vợ cũ vẫn giữ mối quan hệ tốt để cùng nhau nuôi dạy quý tử. Nhờ được giáo dục trong môi trường chỉnh chu nên dù mới ở độ tuổi lên 6, nhóc tỳ đã sớm bộc lộ nhiều tài năng nổi bật.
Mathis Thiên Từ là một trong những nhóc tỳ nổi tiếng của showbiz Việt nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ. Con trai Đan Trường không chỉ điển trai, hưởng gen nghệ thuật giống bố mà cậu bé còn rất thông minh, lanh lợi khi có thể nói được 4 thứ tiếng Anh – Việt – Hoa – Tây Ban Nha.
Con trai Đan Trường có năng khiếu âm nhạc từ bé, chuẩn “con nhà nòi”.
Mặc dù giữa Đan Trường và con trai có sự liên kết mạnh mẽ về âm nhạc, Mathis Thiên Từ từ bé đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, cậu bé cũng nhiều lần khiến người hâm mộ “đứng ngồi không yên” vì có những màn kết hợp với bố ca sĩ nổi tiếng vô cùng ấn tượng. Thậm chí, khi thấy con trai nhận được sự yêu mến từ khán giả, Đan Trường còn từng “ganh tỵ” với quý tử: “Thiên Từ bây giờ như ngôi sao, được khán giả yêu thích, quan tâm hơn cả tôi”.
Tuy nhiên điều ít ai biết về mối quan hệ giữa nam ca sĩ và con trai đã được Đan Trường tiết lộ mới đây trên trang cá nhân. Theo đó, nam ca sĩ đã thừa nhận gặp rào cản với con trai Mathis Thiên Từ: “Rào cản lớn nhất của Đan Trường với con trai là ngôn ngữ, lúc nào gọi qua Mỹ cũng toàn là con khoẻ không, ăn cơm chưa, con đang làm gì vậy thôi đó, tiếng Anh thì giới hạn vậy mà mình phải dạy học cho Thiên Từ cả nhà ạ”.
Đan Trường và vợ cũ giàu có Thuỷ Tiên ly hôn văn minh, cùng nhau nuôi dạy quý tử.
Sau khi bố mẹ “đường ai nấy đi”, Thiên Từ sống cùng với mẹ bên Mỹ, còn Đan Trường ở Việt Nam. Cũng có lẽ vì thế mà cậu bé giỏi ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ. Đó cũng là lý do khiến Đan Trường và con trai gặp chút khó khăn trong việc giao tiếp. Dẫu vậy thì nam ca sĩ vẫn cố gắng để không tạo khoảng cách với con, cùng vợ cũ giáo dục quý tử chu toàn.
Trên thực tế, trường hợp trẻ nhỏ giỏi ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ không hiếm gặp. Điều này tác động bởi nhiều yếu tố, kể đến như môi trường sống và tiềm năng bên trong trẻ,… Quan trọng hơn hết là phương pháp nuôi dạy của bố mẹ. Tuy nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận đó là kỹ năng ngoại ngữ càng tốt thì sẽ càng mang lại nhiều lợi thế cho trẻ trong tương lai.
Vậy đâu là những yếu tố giúp trẻ học tốt ngoại ngữ?
– Môi trường ngôn ngữ: Môi trường ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc học ngoại ngữ. Nếu trẻ nhỏ được tiếp xúc với ngoại ngữ một cách thường xuyên và có người thực hành cùng, trẻ sẽ có cơ hội được nghe, nói, đọc và viết bằng ngôn ngữ đó. Một môi trường ngôn ngữ tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
– Tiếp xúc sớm: Sự tiếp xúc sớm với ngoại ngữ là rất quan trọng. Trẻ nhỏ có khả năng học ngôn ngữ rất nhanh và nhạy bén vì não bộ của trẻ đang trong quá trình phát triển vượt trội. Việc bắt đầu học ngoại ngữ từ sớm sẽ giúp trẻ nhỏ xây dựng nền tảng vững chắc, tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ đó.
– Sự hứng thú và đam mê: Trẻ sẽ dễ dàng học tốt ngoại ngữ khi có sự hứng thú và đam mê với một ngôn ngữ nào đó. Khi trẻ cảm thấy tò mò và có niềm yêu thích với một loại ngôn ngữ, trẻ sẽ có động lực và khao khát học hỏi, khám phá để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ của mình.
– Phương pháp học phù hợp: Lựa chọn phương pháp học phù hợp với trẻ nhỏ là vô cùng cần thiết. Trẻ có thể học tốt ngoại ngữ khi được tiếp cận với các hoạt động học tập phù hợp với độ tuổi và trình độ của bản thân. Các hoạt động như trò chơi, ca hát, xem phim hoặc đọc truyện có thể giúp trẻ hứng thú và tham gia tích cực vào quá trình học ngoại ngữ.
– Sự hỗ trợ và khuyến khích từ gia đình, giáo viên: Gia đình và giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và hỗ trợ trẻ nhỏ học ngoại ngữ. Khi trẻ nhỏ nhận được sự khích lệ, sự hỗ trợ và tạo điều kiện để thực hành ngoại ngữ cả ở nhà và ở trường, trẻ sẽ cảm thấy tự tin và có động lực hơn để tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ.
– Thực hành thường xuyên: Thực hành và sử dụng thường xuyên là bí quyết giúp trẻ học tốt ngoại ngữ. Khi trẻ có cơ hội tiếp xúc, sử dụng ngoại ngữ trong các hoạt động hàng ngày, giao tiếp với người khác, đọc sách và xem phim bằng ngoại ngữ, trẻ sẽ có thể rèn luyện và phát triển kỹ năng ngoại ngữ một cách tự nhiên.
Ngoài ra, có những lỗi sai phổ biến dưới đây của nhiều bậc phụ huynh khiến con gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ.
– Đặt quá nhiều áp lực: Một lỗi thường gặp là các bậc phụ huynh đặt quá nhiều áp lực lên con trong việc học ngoại ngữ. Áp đặt quá cao có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, sợ hãi và mất hứng thú. Thay vì đòi hỏi quá nhiều, bố mẹ hãy tạo môi trường thoải mái và hỗ trợ để con có thể học một cách tự nhiên và vui vẻ nhất.
– Thiếu sự kiên nhẫn và kiên trì: Học ngoại ngữ là một quá trình dài và đòi hỏi về mặt thời gian. Nhưng một lỗi khá phổ biến trong thực tế là nhiều bậc phụ huynh không có sự kiên nhẫn trong việc hỗ trợ con học ngoại ngữ. Các bậc bố mẹ cần nhớ rằng, mỗi đứa trẻ sẽ có nhịp độ học tập riêng, và đôi khi con cần thời gian để tiếp thu và phát triển kỹ năng ngôn ngữ này.
– Không tạo môi trường học tập phù hợp: Một môi trường học tập phù hợp có ý nghĩa quan trọng đối với việc học ngoại ngữ của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không tạo ra môi trường thuận lợi, ví dụ như không cung cấp tài liệu học phù hợp, không khuyến khích con tham gia vào hoạt động học tập bằng ngoại ngữ, hoặc không tạo cơ hội cho con giao tiếp thực tế bằng ngoại ngữ.
– Thiếu sự đa dạng trong phương pháp học: Một phương pháp học đơn điệu và nhàm chán có thể làm mất hứng thú của con trẻ. Vậy nên các phụ huynh cần khám phá và sử dụng nhiều phương pháp học khác nhau, bao gồm trò chơi, bài hát, phim hoạt hình, hoặc thậm chí đi du lịch để tạo sự hứng thú và tương tác tích cực của trẻ đối với ngôn ngữ đó.
– Thiếu sự động viên và khen ngợi: Động viên và khen ngợi là yếu tố quan trọng để tạo động lực cho con trong việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ lại thiếu sự động viên mà chỉ tập trung vào việc chỉ trích và nhắc nhở khi con mắc sai sót. Điều đó khiến trẻ dễ hình thành tâm lý lo sợ, căng thẳng hoặc thậm chí là ghét bỏ việc học ngoại ngữ.