Mẹ đẹp con ngoan là xu thế làm mẹ bỉm sữa của thế hệ gen Z hiện đại bởi họ cho rằng nuôi và dạy con là thiên chức không thể tách rời của người mẹ nhưng việc chăm sóc và yêu thương chính bản thân mình cũng là nhiệm vụ không thể bỏ qua. Đây cũng là một phần quan trọng tất yếu giúp người mẹ nuôi dạy con được tốt hơn, là tấm gương sáng cho con noi theo.
Nhắc đến những bà mẹ gen Z đẹp và nuôi dạy con khéo không thể không nhắc tới Joyce Phạm (Phạm Trần Nguyễn Minh Anh), sinh năm 1999 – con gái đại gia Minh Nhựa. Cô kết hôn cùng chồng hơn 2 tuổi Tâm Phạm và nhanh chóng làm mẹ lần đầu ở tuổi ngoài 20 và chỉ chưa đầy 2 năm sau đó, Joyce Phạm tiếp tục hạ sinh con thứ 2 là một bé gái xinh xắn.
Joyce Phạm là con gái lớn của đại gia Minh Nhựa, cô làm mẹ lần đầu năm 2020.
Năm 2022, vợ chồng Joyce Phạm sinh tiếp con thứ 2.
Làm mẹ bỉm 2 con nhưng nhan sắc và vóc dáng của Joyce Phạm khiến nhiều người ghen tỵ.
Làm mẹ 2 con khi mới chỉ 23 tuổi, Joyce Phạm luôn khiến mọi người phải ngỡ ngàng bởi nhan sắc trẻ trung xinh đẹp và vóc dáng nõn nà chẳng kém thời còn là hot girl nức tiếng Sài Thành. Không chỉ vậy, Joyce Phạm còn thường xuyên được khen ngợi với những phương pháp nuôi dạy con khéo léo khiến các nhóc tỳ Tít và Dâu đều là những em bé ngoan ngoãn và lễ phép.
Hay trong một chia sẻ mới đây nhất, khi nhận được lời khen của mọi người trong cách dạy con, ái nữ nhà đại gia Minh Nhựa cũng hiếm hoi tiết lộ cách dạy con của mình, cụ thể là cách kết nối con lớn với con nhỏ, để các bé luôn yêu thương nhau.
Theo đó khi đăng tải một đoạn video bé Tít chơi với em Dâu rất ra dáng anh hai, cậu bé quan tâm, chăm sóc và nhường nhịn em. Tít nhanh chóng nhận được lời khen ngợi của mọi người, dù là cậu bé còn nhỏ tuổi nhưng rất biết suy nghĩ, qua đó thể hiện được cách dạy con hay của bà mẹ sinh năm 1999. “Không biết Joyce có đọc comment trên mạnh nhìu không, nhưng cứ video của Tít Dâu là mọi người khen cách nói chuyện của 2 em” – một người để lại lời khen.
Về điều này, Joyce thổ lộ những ứng xử của cô và các thành viên trong gia đình luôn là tấm gương sáng cho các con noi theo. Bên cạnh đó bố mẹ sẽ là người định hướng còn để các con tự do phát triển, bộc lộ những tính cách của bản thân.
“Joyce có đọc và reply từng comment luôn nha. Mà tại nhiều quá Joyce chưa có thời gian rep mọi người hết nè.
Joyce và mọi người trong gia đình chỉ là một phần giáo dục cách nchuyện, ứng xử của hai bé thôi. Còn phần còn lại Joyce để hai bé phát triển một cách tự nhiên ý, không ép đặt nhiều nè.
Từ khi Joyce mang bầu Dâu thì Joyce có kêu anh hai lúc nào cũng phải lại hôn lên bụng là hôn em, nên tập cho Tít thói quen là sẽ phải thương em.
Khi Dâu được sanh ra thì việc Joyce truyền đạt cho Tít những vấn đề như là con có thương em không? Để cho Tít tự trả lời xong rồi giải thích cho Tít hiểu. Xong việc nói cho Tít con phải thương em, phải bảo vệ em, không cho ai bắt nạt hay đánh em nha. Thì việc Tít có tiếp thu hay không là do Tít xong từ đó mình sẽ biết cách để hướng dẫn Tít làm thế nào cho đúng”. Joyce Phạm cũng bày tỏ bản thân khá bất ngờ bởi những ứng xử ra dáng anh hai của con trai Tít trong cuộc sống thường ngày.
Những chia sẻ của bà mẹ sinh năm 1999 được nhiều mẹ bỉm tâm đắc, ai nấy đều dành lời khen ngợi bởi đó là cách dạy con vừa hay vừa khéo léo giúp các con tuy nhỏ nhưng biết cách yêu thương nhau, biết cách nhận và trao yêu thương với người khác.
Trên thực tế mặc dù việc dạy các con yêu thương và kết nối với nhau là điều cần thiết nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng làm được và đứa trẻ nào cũng hợp tác. Dưới đây là một mẹo giúp kết nối các con nhỏ trong gia đình được chuyên gia giáo dục trẻ nhỏ khuyên các bậc cha mẹ thực hiện:
Theo Ning Weiwei, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Sức khỏe Tâm thần Tứ Xuyên và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Giao thông Tây Nam tin rằng cha mẹ nào muốn sinh con thứ hai, thứ ba thì nên có những cuộc trò chuyện với con cái, bằng không bé sẽ có thái độ tiêu cực.
Hầu hết các trẻ không thích mẹ sinh thêm em vì lo lắng rằng sau khi có thêm thành viên, tình yêu của cha mẹ sẽ bị san sẻ hoặc mất đi, từ đó mất đi cảm giác an toàn.
Giáo sư Ning tin rằng trước khi cha mẹ quyết định sinh thêm con thứ hai thì hãy nên nói chuyện với con lớn. “Đừng đưa ra quyết định mà không có hướng đi tích cực và những giải pháp tích cực”.
Cách kết nối tình cảm con lớn và em
Với bé dưới 18 tháng tuổi
Việc giúp bé hiểu về sự tồn tại của đứa em là cần thiết trước khi đứa em ra đời và càng cần thiết hơn nếu trẻ dưới 18 tháng tuổi. Đó cũng là cách mà cha mẹ giúp trẻ phát triến về nhận thức về “sự tồn tại” của “2”, thay vì chỉ là “1”. Hãy bắt đầu khi bé thứ 2 có thể “đạp vào bụng bạn”. Đứa trẻ thứ nhất sẽ rất tò mò tại sao mẹ mình thường nói chuyện với “em bé”. Bé vẫn chưa hiểu “em bé” là như thế nào? Cha mẹ có thể làm như thế này:
– Hãy nói cho trẻ biết: “Mẹ có 1 em bé sẽ ra đời vài tháng nữa, con có muốn nghe em bé nói chuyện với con không”. Hãy để bé nghe tiếng đạp của bé thứ 2 vài lần trong ngày. Hãy nói với bé: Con hãy chạm tay vào bụng mẹ, em bé sẽ nghe con nói đó.
– Hãy cho bé biết “Em bé sẽ ra đời như thế nào?” bằng việc cho bé 1 con búp bê hoặc 1 món đồ chơi bé thích và nói em bé ra đời như cách mà con dành sự yêu thích này lên món đồ này, con có thích món đồ này không và con có muốn bảo vệ món đồ này không? Hãy cho bé biết, em bé ra đời con có thương em bé không? Cứ nhắc lại các câu hỏi và trò chuyện.
Với bé lớn hơn 18 tháng
Khi em bé thứ 2 vẫn chưa sinh ra
Việc để bé lớn hơn 18 tháng tuổi hiểu sự có mặt của em bé sẽ dễ dàng hơn. Cứ hãy cho bé biết mẹ sẽ có em bé và em bé sẽ làm em của con. Bé tuổi này có thể nhận thức là “em của bé”. Vẫn những hành động ở trên dành cho bé dưới 18 tháng tuổi, nhưng ở đây bạn sẽ nhấn mạnh hơn khái niệm “anh/chị và em”.
Vào ngày bé thứ 2 ra đời
Vào ngày em bé thứ 2 chào đời, hãy cho bé thứ nhất nhìn mặt em bé, đừng trì hoãn điều này sau 72 giờ (trừ những trường hợp đặc biệt) vì trẻ thứ nhất cần tạo một liên kết đặc biệt với bé thứ 2 này. Khi bé thứ nhất vào xem em bé, hãy gọi bé thứ 1 vào.
Khi cả hai bé cùng chơi với nhau
Khi em bé thứ 2 lớn và chơi cùng bé thứ 1: Bé thứ 2 sẽ cố bắt chước bé thứ 1 về mọi thứ như cách chơi, cách đi và cách giành nói chuyện/chơi với mẹ. Do đó việc 2 bé hay xung đột là điều dễ hiểu. Khi hai bé xung đột thì không nên trách mắng hay la bé thứ 1 hoặc yêu cầu bé thứ nhất phải nhường em.
Cách hành xử đúng nhất là mẹ sẽ tách 2 bé ra và cả 2 bé không ai được lấy món đồ chơi đó và mẹ sẽ giữ nó đến khi em bé chơi lại. Dĩ nhiên cả hai bé đều khóc, nhưng sẽ quên ngay và quay lại chơi cùng. Chọn 1 thời điểm nào đó dạy 2 bé biết cách chia sẻ lẫn nhau bằng chính món đồ đó: Cho bé lớn chuyền sang bé nhỏ hơn và để bé nhỏ truyền lại cho mẹ, và mẹ sẽ truyền lại cho bé lớn. Bài tập này đều có ích cho tất cả các bé từ 10 tháng – 48 tháng tuổi.
Nếu bé nhỏ có tuổi dưới 18 tháng tuổi, bạn đợi khi bé nhỏ ngủ, hãy lựa những quyển sách có câu chuyện về tình anh em để kể cho bé lớn nghe. Không cần nhấn mạnh “Con lớn phải nhường em” và nên nói theo cách “Nếu em ngã, con giúp em đứng dậy không?”, “Nếu em muốn chơi món này, con sẽ cho em chơi 1 lát nhé, rồi đến con”, “Nếu em khóc đòi mẹ, con ngồi chơi cái này và đợi mẹ 1 tí nhé, sau khi mẹ hỏi em có sao không và lại chơi với con nhé” và bạn làm động tác như giao kèo với bé.
Nếu bé thứ 2 lớn hơn 18 tháng tuổi, thì hãy đọc chuyện cho cả hai anh em nghe về tình anh em. Vẫn những câu hỏi ở trên, nhưng bạn hỏi ngược lại với bé nhỏ và xen kẽ câu hỏi giữa bé lớn và bé nhỏ.
Những hoạt động này sẽ giúp cả hai anh em dần nhận thức trách nhiệm và sự gắn bó cần có trong việc giao tiếp và ứng xử hành vi.