Ghé nhà anh trai ở lại qua đêm, giữa khuya đi ngang phòng cháu gái thấy cảnh bên trong tôi chết khiếp

Nhà tôi có hai anh em, anh trai tôi lớn hơn tôi 5 tuổi và đã qua một đời vợ, còn tôi thì vẫn đang tập trung lo cho sự nghiệp chứ chưa tính đến chuyện “thành gia lập thất” sớm. Sau khi chị dâu, cũng là mẹ ruột của cháu gái tôi mất, anh trai đã cưới vợ mới sau vài năm “gà trống nuôi con”. Hiện tại chị dâu mới đang mang bầu đứa con đầu lòng của cả hai.

Những tháng cuối năm này anh tôi bận rộn với lịch đi công tác dày đặc, vì không yên tâm để vợ bầu ở nhà nên anh ấy có nhờ tôi phụ giúp chăm sóc cho chị dâu. Bụng chị đang ở tháng thai kỳ thứ 8 nên cũng bất tiện nhiều thứ, cháu gái 15 tuổi thì đang còn đi học. Trong lúc thất nghiệp rảnh rỗi, tôi đồng ý hỗ trợ anh trai của mình một tay.

Lúc ghé nhà anh trai, mọi thứ vẫn rất bình thường và tôi cũng không phát hiện điều gì thất thường, chỉ thấy cô cháu gái có đôi chút hơi trầm lắng, ít nói hơn hẳn so với trước đây. Nhưng tôi cũng không suy nghĩ nhiều, bởi tôi hiểu đứa trẻ đang trong giai đoạn tuổi dậy thì nên có nhiều thay đổi thất thường trong tâm sinh lý là lẽ đương nhiên.

Ảnh minh hoạ.

Thế nhưng một tình huống bất ngờ xảy ra vào ngay cái đêm đầu tiên tôi ở lại nhà anh trai đã khiến tôi lạnh toát cả mồ hôi. Chuyện là tôi bị lạ chỗ ngủ nên không tài nào chợp mắt được, đành tính xuống bếp uống cốc nước. Nào ngờ lúc đi ngang phòng cháu gái, vô tình chứng kiến một cảnh tượng ở bên trong khiến tôi sợ chết khiếp, ngay lập tức hét lớn rồi đẩy cửa xông vào.

Cô cháu gái nhìn thấy tôi thì hoảng loạn, trên cổ tay máu vẫn không ngừng chảy ra. Tôi đoán được con bé đang làm hành động gì, bởi nó đã rất rõ ràng ngay trước mắt. Nhưng tôi không hiểu vì sao cháu gái vốn ngoan ngoãn và hiền lành của tôi nay lại có việc làm điên rồ, mất kiểm soát như thế. Lý do gì mà đứa trẻ lại rạch tay mình, tự huỷ hoạ và làm đau bản thân như thế.

Ảnh minh hoạ.

Tôi quá hốt hoảng không kịp nghĩ gì nhiều, vội vàng quơ cái khen cạnh tủ quần áo cầm máu cho cháu. Không giữ được bình tĩnh tôi quát lớn.

– Gấu, con đang làm cái trò gì thế hả? Tại sao con lại làm hành động nguy hiểm như thế này, nói cho cô biết ngay chuyện gì đang xảy ra với con?

Đứa trẻ im lặng cuối đầu một lúc rồi rơi nước mắt nói:

– Con cảm thấy buồn và áp lực lắm cô ạ, từ ngày có gia đình mới, bố dường như bận rộn hơn, không còn thương con, quan tâm con như trước nữa. Bố rất hiếm khi lắng nghe con, hiểu con muốn gì cần gì, bố chỉ biết ra lệnh. Con nhớ mẹ, con cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, vợ mới của bố không phải mẹ ruột nên cô ấy có vẻ cũng không thích con lắm!

Con không biết sao nhưng mỗi khi thấy đau lòng và muốn giải toả, hành động này lại có hiệu quả đến bất ngờ. Nó khiến con quên đi nỗi buồn, nỗi đau bên trong. Chỉ là bên ngoài, thể xác có nhói một chút, nhưng như vậy lại hoàn toàn khiến con tốt hơn.

Ảnh minh hoạ.

– Nếu con nói thế thì nghĩa là đây không phải lần đầu. Trước đó con cũng đã hành hạ bản thân mình giống vậy hả Gấu? Sao con khờ quá vậy, lỡ có chuyện gì thì biết phải làm sao hả cháu gái tôi ơi! Con có nhiều cách khác đúng đắn hơn để giải quyết vấn đề, con có thể tìm sự trợ giúp, hướng dẫn từ người thân mà con tin tưởng cơ mà, chẳng phải con còn có cô đây sao!

Tôi hiểu trẻ ở độ tuổi dậy thì vốn dĩ vô cùng nhạy cảm, anh trai tôi lại quá sa đoạ vào công việc, vả lại còn là đàn ông nên không khéo trong việc “làm bạn” với con gái. Điều này đã khiến cho đứa trẻ dễ bị tổn thương, từ đó tự làm ra những hành động gây hại cho bản thân như một cách để “giải toả”. Dĩ nhiên đứa trẻ sẽ che giấu không cho người lớn biết điều mình làm, và nó thực sự nguy hiểm nếu như bố mẹ không kịp thời phát hiện sớm vấn đề rồi tìm cách giải quyết phù hợp.

Mọi sự thay đổi, dù là nhỏ nhất của con trẻ đều có thể chứa đựng những “bí mật” được che giấu đằng sau. Đó là lý do mà khi làm bố mẹ, chúng ta nên tinh tế và dành sự quan tâm lớn cho các con. Qua chuyện này, tôi chắc chắn sẽ can thiệp để chia sẻ và thay anh trai giáo dục cháu gái của mình. Đồng thời, đợi anh công tác trở về, tôi sẽ nói chuyện rõ ràng với anh, hy vọng mọi chuyện sẽ được giải quyết hiệu quả và tích cực trước khi quá muộn.

Tâm sự từ độc giả myan…@gmail.com

Hội chứng tự huỷ hoạ bản thân, còn được gọi là tự làm tổn thương chính mình, là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng mà trẻ em có thể trải qua, đặc biệt là trẻ tuổi dậy thì. Có một số biểu hiện mà bố mẹ, người thân hoặc nhà trường có thể quan sát thấy khi trẻ mắc hội chứng này.

Một trong những biểu hiện phổ biến nhất là trẻ có hành vi gây tổn thương cơ thể. Trẻ có thể có những vết cắt, châm, bỏng hoặc tổn thương khác trên toàn bộ người, đặc biệt là ở các vị trí dễ nhìn thấy như cổ tay, cánh tay, chân, hoặc bàn tay. Những tổn thương này thường xuất hiện dưới dạng những vết thương hẹp, dài, không đều và thường được gây ra bằng các dụng cụ như dao, kim, hoặc vật cứng khác.

Ngoài ra, trẻ có thể bộc lộ những biểu hiện tâm lý và hành vi khác nhau, chẳng hạn như khép mình, hay tự ti, trầm cảm, hoặc thường xuyên có ý nghĩ tiêu cực về bản thân. Thậm chí, trẻ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ nổi giận hoặc có hành vi tự tổn thương khác như tự đập đầu vào tường, vỗ mạnh vào đầu hoặc cố tình làm đau cơ thể.

Những hành vi tự huỷ hoạ bản thân ở trẻ tuổi dậy thì có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân phổ biến là nhu cầu tìm kiếm cảm giác mới. Trong giai đoạn này, trẻ muốn khám phá và trải nghiệm những giới hạn của cơ thể mình, và việc tự làm đau bản thân có thể là một trong những cách để thực hiện điều đó.

Hành vi tự làm đau bản thân cũng có thể xuất phát từ nhu cầu muốn được chú ý, thu hút sự quan tâm, đặc biệt khi trẻ cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi hoặc không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hành vi này còn nói lên việc tâm lý trẻ đang gặp vấn đề bất ổn như chứng trầm cảm, lo âu hoặc căng thẳng, và đây như là một cách để trẻ xả stress hoặc giải tỏa cảm xúc tiêu cực bên trong mình.

Để giải quyết vấn đề này, quan trọng là bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể của hành vi tự làm đau bản thân và cung cấp cho trẻ một môi trường an toàn, hỗ trợ. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, sự can thiệp kịp thời của các chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia giáo dục có thể giúp trẻ hiểu và quản lý cảm xúc, cũng như biết cách giải toả cảm xúc của mình một cách lành mạnh nhất.