Đối với bố mẹ, con cái là tài sản vô giá. Nuôi dạy con dù là hành trình dài chưa bao giờ dễ dàng, nhưng để con khoẻ mạnh lớn lên thì bố mẹ nào cũng sẵn lòng cho đi tất cả. Dĩ nhiên ai làm bố mẹ cũng sẽ đều mang tâm lý bảo vệ, che chở cho con, không hy vọng đứa trẻ của mình phải chịu thiệt thòi hay bất kỳ nỗi đau nào. Đặc biệt là nỗi đau do người khác mang đến, chẳng hạn như bạo lực học đường. Đây vẫn luôn là vấn đề khiến không ít bố mẹ lo lắng khi con trẻ bước vào độ tuổi đến trường.
Bài chia sẻ mới nhất của bà mẹ đơn thân hot girl Elly Trần về câu chuyện bạo lực học đường này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Bà mẹ 2 con viết trên trang cá nhân: “Chưa rõ thực hư như nào nhưng nếu đúng như vậy thì đau lòng quá. Một trong những lý do khi tụi nhỏ đi học về Elly luôn hỏi “Hôm nay con đi học có vui không?” chứ không bao giờ hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?” là vậy. Nếu con trả lời “không vui ” thì gia đình sẽ nhận ra vấn đề từ sớm và điều chỉnh, xử lý cho phù hợp tránh dẫn đến những trường hợp kết quả nghiêm trọng xảy ra. Cái này chúng mình lưu tâm nha các mẹ. Bạo lực học đường là vấn đề luôn nhức nhối”.
Bài chia sẻ của Elly Trần trên mạng xã hội.
Bên dưới những dòng tâm sự là hình ảnh đính kèm về một vụ việc bạo lực học đường gần đây ở Hà Nội khiến Elly Trần đặc biệt quan tâm, bày tỏ sự bức xúc và không do dự chia sẻ quan điểm cá nhân lên mạng xã hội như một lời cảnh tỉnh, và nhắc nhở đến các bậc bố mẹ khác cũng có con cái đang ở độ tuổi đi học.
Đươc biết ở thời điểm hiện tại, Elly Trần đang làm mẹ đơn thân 2 con. Ái nữ và quý tử lai Tây nhà nàng hot girl 8X đều đang ở lứa tuổi đến trường. Vì vậy mà Elly Trần đã dành nhiều tâm tư đối với vấn đề này cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ nhờ được mẹ nuôi dạy cẩn thận nên các con của Elly Trần rất ngoan, luôn thân thiết và tình cảm với mẹ. Như chia sẻ ở bài viết, Elly Trần đã cho biết cô cực kỳ quan tâm đến cảm xúc và tâm trạng của các con mình mỗi khi tan trường về nhà.
2 nhóc tỳ lai Tây của Elly Trần rất đáng yêu, xinh xắn, được mẹ nuôi dạy chỉnh chu.
Bà mẹ đơn thân không đặt nặng hay gây áp lực về thành tích, điểm số lên con, mà quan trọng là con có cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày đến trường hay không? Bởi điều này sẽ quyết định rất lớn đến việc bố mẹ kịp thời theo dõi và phát hiện ra những điểm bất thường ở trẻ. Từ đó, có những can thiệp sớm nếu như chẳng may con trẻ rơi vào tình huống bị bạo lực học đường.
Sau khi Elly Trần lên tiếng lưu ý các bậc phụ huynh về vấn đề này, bài chia sẻ đã nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến tranh luận từ cộng đồng mạng. Đa số đều bày tỏ sự đồng tình trước quan điểm giáo dục con cái của nàng hot girl, một số người khác thì thể hiện sự bức xúc trước câu chuyện bạo lực học đường vẫn thường tiếp diễn trong xã hội ngày nay.
Cộng đồng mạng bày tỏ bức xúc về vấn đề trẻ bị bạo lực học đường.
Là bố mẹ, dĩ nhiên ai cũng không mong muốn con cái của mình rơi vào hoàn cảnh bị bắt nạt, trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, hoặc thậm chí là đối tượng bắt nạt người khác. Vì điều này hoàn toàn không mang lại lợi ích gì mà chỉ dẫn đến vô số hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống và tâm sinh lý của trẻ, cản trở sự phát triển lành mạnh của các con trong tương lai.
Để bảo vệ và ngăn chặn bạo lực học đường xảy ra với con trẻ, bố mẹ cần lưu ý gì?
– Xây dựng một môi trường gia đình ủng hộ: Tạo ra một môi trường gia đình yêu thương, tôn trọng và hỗ trợ là quan trọng để con trẻ cảm thấy an toàn, tự tin. Bố mẹ nên tạo ra một không gian, nơi con trẻ có thể chia sẻ những trải nghiệm, lo lắng và nỗi sợ của mình mà không dè chừng vì bị phê phán hay trừng phạt.
– Xây dựng kỹ năng xã hội và giải quyết xung đột: Hỗ trợ con trẻ phát triển kỹ năng xã hội để xây dựng mối quan hệ tốt với người khác, và giải quyết xung đột một cách lành mạnh. Điều này bao gồm việc hướng dẫn trẻ cách giao tiếp, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, cũng như khuyến khích trẻ tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn khi cần thiết.
– Giáo dục về sự đa dạng và tôn trọng: Hướng dẫn trẻ về sự đa dạng và khuyến khích thái độ tôn trọng đối với những người khác, bất kể họ khác biệt về ngoại hình, năng lực hay quan điểm. Bố mẹ có thể truyền đạt giá trị tôn trọng và đối xử công bằng bằng cách làm gương, đảm bảo rằng môi trường gia đình không chứa đựng bạo lực, phân biệt hay đánh đồng người khác.
– Giám sát và tham gia vào cuộc sống học đường của con: Theo dõi tiến bộ học tập và quá trình tham gia hoạt động xã hội của con trẻ trong môi trường học đường. Tích cực góp mặt vào các hoạt động của trường, gặp gỡ giáo viên và quan tâm đến quan hệ bạn bè của con trẻ sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan về tình hình học đường của con, từ đó dễ dàng phát hiện các dấu hiệu bạo lực hoặc hành vi không tốt.
– Khuyến khích con trẻ báo cáo và tìm kiếm sự trợ giúp: Hướng dẫn trẻ về tầm quan trọng của việc báo cáo bất kỳ hành vi bạo lực hoặc bất lợi nào mà con chứng kiến hoặc trải qua. Tạo ra một môi trường an toàn và tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình, và khuyến khích con tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn như giáo viên, cố vấn hoặc bố mẹ.
– Hợp tác với trường học: Tìm hiểu chính sách và quy trình của trường học liên quan đến việc ngăn chặn và xử lý bạo lực học đường. Hợp tác với giáo viên và nhân viên trường để đảm bảo rằng, các biện pháp phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường được thực thi một cách hiệu quả. Bố mẹ có thể tham gia vào các cuộc họp phụ huynh, gửi thư cho nhà trường hoặc tham gia vào các chương trình và hoạt động liên quan đến an toàn học đường.
Đâu là những biểu hiện ở trẻ bố mẹ cần kịp thời nhận biết con đang bị bạo lực học đường?
– Thay đổi trong hành vi và tâm trạng: Con trẻ có thể thể hiện những thay đổi rõ rệt trong hành vi và tâm trạng. Điều này bao gồm các trạng thái như trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, tức giận, hoặc trở nên cô đơn và thu mình lại.
– Thay đổi trong hành vi học tập: Nếu trẻ trước đây có thành tích học tập tốt mà bất ngờ giảm sút, hoặc có sự suy giảm đáng kể trong khả năng tập trung và tham gia vào hoạt động học tập, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bạo lực học đường.
– Thay đổi trong quan hệ xã hội: Trẻ có thể thay đổi cách tương tác với bạn bè đồng trang lứa, trở nên cô đơn, rụt rè, tránh xa bạn bè hoặc không muốn tham gia vào các hoạt động nhóm.
– Thay đổi về cơ thể: Trẻ có thể có những biểu hiện về sức khỏe như đau đầu, đau bụng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, thay đổi về khẩu vị ăn uống, giấc ngủ bị ảnh hưởng, hoặc có dấu tích về những tổn thương trên cơ thể.
– Thường xuyên mất đồ cá nhân: Trẻ thường bị mất đồ cá nhân như sách vở, đồ chơi, tiền hoặc quần áo một cách bất thường, có thể là do bị đánh cắp hoặc bị bắt nạt.
– Không có hứng thú, sợ hãi và trốn tránh việc đi học: Nếu trẻ thường xuyên tìm cách trốn tránh, đối phó với việc đến trường học bằng cách giả bệnh, trốn học, hoặc bày tỏ sự không thích, không muốn đi học, đây cũng là biểu hiện điển hình khi trẻ đang gặp vấn đề liên quan đến bạo lực học đường mà bố mẹ cần lưu ý.