Làm ở công ty chứng khoán chưa được 2 năm nhưng tôi đã xây dựng được một mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp thân thiết với cô bạn cùng tuổi. Chúng tôi đều đã lập gia đình và đã làm mẹ. Tôi thì có nhà riêng từ khi mới cưới, vì nhà chồng có điều kiện nên gả cho anh tôi cũng được nhờ.
Còn vợ chồng cô bạn đồng nghiệp thì đi lên từ hai bàn tay trắng, điều kiện nhà chồng cô ấy so với tôi có một khoảng cách rất lớn. Vậy nên tôi thực sự thích và ngưỡng mộ sự chăm chỉ, cầu tiến của vợ chồng cô ấy. Lấy chồng mới gần 3 năm mà cả hai vợ chồng bạn tôi đã tích góp được một số tiền và mua căn nhà ở ngoại ô thành phố.
Hôm nay là ngày tân gia của gia đình bạn, dĩ nhiên không thể vắng mặt tôi. Vì thân thiết nên tôi được mời đến sớm hơn một số người khác. Và cũng nhờ tình cờ được thăm nhà bạn sớm mà tôi đã tận mắt trông thấy một hành động của chồng cô bạn đồng nghiệp làm với các con của mình, cảnh tượng đó khiến tôi nhớ mãi.
Ảnh minh hoạ.
Chả là trong lúc 2 đứa trẻ nhà cô ấy chơi đùa, chạy nhảy thì vô ý làm bể một bình rượu quý – đó là món quà tân gia của giám đốc công ty nơi chồng cô bạn tôi đang công tác. Được biết nó có giá trị khá đắt đỏ. Trong khoảnh khắc hai đứa nhỏ mặt tái mét, hoảng loạn không biết phải làm gì với lỗi lầm của mình thì con gái lớn của cô bạn tôi lên tiếng:
– Không phải con làm ngã đâu bố ạ, là em đã đụng vào nó đấy!
– Không phải do em, do chị cơ mà!
Hai đứa trẻ thi nhau biện minh cho trò nghịch ngợm của mình, tìm cách đổ lỗi đối phương chỉ vì sợ sẽ bị phạt. Trông thấy cảnh tượng trước mắt, tôi cứ nghĩ theo phản ứng của mấy ông bố mà tôi thường biết, đặc biệt là chồng tôi thì chồng của cô bạn cũng sẽ khó lòng kiềm chế được cơn tức giận mà sẽ ngay lập tức quát mắng các con.
Tuy nhiên sự thật trước mắt đã chứng minh điều ngược lại. Chồng của cô bạn đồng nghiệp không hề quan tâm đến bình rượu đắt đỏ ấy mà chạy ngay đến bên cạnh 2 đứa con với vẻ lo lắng, kiểm tra xem đứa trẻ có bị thương chỗ nào không rồi dùng lời nói nhẹ nhàng để trấn an chúng.
Ảnh minh hoạ.
– Các con bình tĩnh, bố sẽ không mắng đâu, các con có bị đau chỗ nào không, nếu có thì nói cho bố biết ngay nhé! Trong mắt của bố, cả hai chị em con đều là những em bé ngoan, mà em bé ngoan thì sẽ biết nhận lỗi và sửa lỗi, đặc biệt là sẽ không cố gắng tìm cách để đổ lỗi cho người khác đúng không nào? Bố sẵn sàng tha thứ cho lỗi sai của các con, thế nên các con hãy luôn thành thật nhé! Lần sau chỉ cần cẩn thận hơn một chút là được!
Hai đứa trẻ khi nghe bố nói như thế thì biểu cảm bắt đầu thả lỏng hơn, không còn vẻ sợ hãi đến xanh cả mặt như ban đầu. Cô chị gái dường như hiểu ra lời của bố nên đã mạnh dạn đứng ra nhận lỗi.
– Bố ơi, là lỗi của con ạ, con xin lỗi bố. Bố đừng mắng em, do con chọc ghẹo em nên mới gây ra sự việc này. Con hứa lần sau sẽ không tái phạm nữa đâu ạ. Hôm nay con sẽ giúp bố mẹ quét nhà để chuộc lỗi bố nhé!
“Mắt thấy tai nghe” toàn bộ câu chuyện, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước phản ứng và cách dạy con cực kỳ khéo léo của chồng cô bạn. Nếu không phải là một ông bố tâm lý, tinh tế thì sẽ rất khó để đưa ra cách giải quyết phù hợp trong tình huống này. Và đa số những ông bố trong các gia đình tôi quen, họ sẽ không giữ được sự bình tĩnh mà quát mắng các con đầu tiên, đơn cử như chồng tôi.
Ảnh minh hoạ.
Anh là một người nóng tính và khá dở trong việc giáo dục con nên khi thấy chồng cô bạn đồng nghiệp giải quyết câu chuyện trên, tôi có chút ganh tỵ và ngưỡng mộ. Sau khi trở về nhà, ấn tượng về chồng cô bạn khiến tôi nhớ mãi, tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ kể lại cho chồng nghe để anh có thể học được một chút gì đó từ tấm gương này.
Tâm sự từ độc giả buihanh…@gmail.com
Trong cảm nhận của nhiều đứa trẻ, bố luôn là người mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn hơn so với mẹ. Nghĩa là mọi lời nói và hành động của bố thường dứt khoát, quyền lực nên sẽ dễ khiến con trẻ răm rắp nghe lời. Trong khi đó, những người mẹ, người phụ nữ luôn có sự nhẹ nhàng và tinh tế hơn cánh mày râu.
Trên thực tế, khi chứng kiến con cái phạm lỗi, có một số lỗi sai phổ biến mà nhiều ông bố mắc phải, đơn cử như:
– Phản ứng quá mức: Một lỗi phổ biến là phản ứng quá mức, quá khích khi con cái phạm lỗi. Có thể là do cảm xúc tức giận, lo lắng hay thất vọng đã khiến cho người bố trở nên quá sừng sộ hoặc sử dụng lời nói và hình phạt cứng rắn. Điều này có thể gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ gia đình và ảnh hưởng đến quá trình phát triển, cũng như sự tự tin của trẻ.
– Thiếu sự lắng nghe và thấu hiểu: Một lỗi khác là nhiều ông bố đã thiếu sự lắng nghe và thấu hiểu đúng mức đối với con cái. Bố có thể ngay lập tức trách móc hoặc đưa ra nhận xét mà không cần lắng nghe và không tìm hiểu nguyên nhân hoặc cảm xúc đằng sau hành vi của trẻ. Điều này có thể làm mất đi cơ hội để thiết lập một môi trường gia đình cởi mở và giao tiếp hiệu quả với con.
– Sử dụng lời lẽ và hình phạt mạnh: Một lỗi phổ biến là sử dụng lời lẽ và hình phạt mạnh để trừng phạt con cái khi đứa trẻ phạm lỗi. Thậm chí có một số ông bố còn sử dụng lời lẽ phỉ báng, mắng mỏ hoặc áp đặt hình phạt khắc nghiệt như đánh đập hay lạm dụng thể lực đối với con. Điều này không chỉ gây tổn thương tâm lý, sức khoẻ mà còn làm mất đi cơ hội để người bố có thể giáo dục trẻ hiệu quả trong tương lai.
– Không thiết lập quy tắc rõ ràng và hợp lý: Khi quy tắc không được thiết lập một cách rõ ràng và công bằng, trẻ có thể mất đi định hướng và không biết rõ những hành vi nào được chấp nhận và không được chấp nhận. Điều này có thể dẫn đến sự hoang mang trong nhận thức của trẻ, và gây khó khăn cho con trong việc học cách tự quản lý hoặc tự đưa ra quyết định đúng đắn.
– Thiếu sự gương mẫu: Nếu người bố không tuân thủ những quy tắc và giá trị mà ông muốn con cái học theo, trẻ có thể bị nhầm lẫn và không biết phân biệt đúng sai. Sự gương mẫu tích cực của người bố là yếu tố quan trọng để trẻ học cách hành xử, và định hình giá trị trong cuộc sống.
Để tránh những lỗi sai này, người bố cần tạo ra một môi trường yêu thương, lắng nghe và đồng hành cùng con trẻ. Sự kiên nhẫn, tôn trọng và sẵn sàng thấu hiểu sẽ giúp bố xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với con và giúp trẻ phát triển một cách lành mạnh.