Tôi 30 tuổi, có công việc ổn định và hiện tại đang là một bà mẹ đơn thân. Tôi từng có cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm, chồng cũ là mối tình đầu và chúng tôi đã có với nhau một cô công chúa nhỏ gần 4 tuổi. Tôi và anh đều là những người có ăn có học nên ly hôn trong văn minh, vẫn giữ mối quan hệ tốt để cùng nuôi dạy con gái.
Vì con còn khá nhỏ nên tôi đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, hai mẹ con thuê một căn chung cư trong thành phố sống để tiện cho công việc. Từ khi trở thành mẹ đơn thân, tôi bận rộn hơn hẳn, một ngày 24 tiếng nhưng dường như nó chưa bao giờ là đủ với tôi cả. Thậm chí vì lo kiếm tiền để cho con gái có cuộc sống tốt nhất mà tôi vùi đầu vào công việc, quỹ thời gian dành cho con ngày càng thu hẹp, đặc biệt là vào những tháng cuối năm như thế này.
Cũng bởi vậy mà suýt chút nữa, tôi quên rằng một mùa lễ Giáng sinh nữa lại về. Mọi năm cứ đến Noel là tôi sẽ chuẩn bị cho con gái một món quà theo ước nguyện và đưa con đi chơi. May là tôi vẫn còn nhớ điều đó, nên cũng kịp tâm sự với đứa trẻ về mong muốn của con để có thể giúp con hiện thực hoá nó.
Bình thường bé gái nào cũng thích búp bê, váy áo công chúa, gấu bông và ái nữ nhà tôi cũng vậy. Thế nhưng khi nghe điều ước của con vào mùa Giáng sinh năm nay, tôi khá bất ngờ và ngơ ngác.
– Mẹ ơi, điều ước con muốn gửi đến ông già Noel là được ngủ cùng với bố mẹ vào đêm giáng sinh ạ!
Nghe con nói, tôi có chút chạnh lòng, nhưng dĩ nhiên việc này không thể thực hiện được vì chúng tôi đã ly hôn, làm sao có thể ngủ chung. Sợ con buồn nên tôi tìm cách lãng tránh khéo léo, và hứa sẽ tặng đứa trẻ một món quà bự vào ngày này.
Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên điều tôi không thể ngờ đến là vào đêm Giáng sinh, chồng cũ của tôi lại bất ngờ gõ cửa lúc giữa khuya. Thậm chí anh ấy còn hoá trang thành ông già Noel mang theo một túi quà. Ngay khoảnh khắc nghe giọng của bố, con gái tôi đã lập tức từ trong phòng ngủ nhanh nhảu chạy ra, mặt vô cùng vui vẻ và háo hức.
Tôi định bụng sẽ để anh ở lại với con một lúc cho đến khi đứa trẻ ngủ, thế nhưng anh ấy lại đột ngột ngỏ lời xin tôi được ở lại qua đêm. Dĩ nhiên là tôi từ chối, nhưng lúc này anh lại đưa ra “bùa hộ mệnh” khiến tôi cứng họng, rơi vào tình huống khó xử. Anh nói với tôi rằng, đây chính là điều ước vào đêm Giáng sinh mà cô con gái nhỏ mong muốn bố có thể thực hiện cho mình. Anh không muốn khiến con buồn và thất vọng nên đã đồng ý.
Ảnh minh hoạ.
Mặc dù biết anh thương con nhưng tôi vẫn nghĩ việc này chẳng hợp lý chút nào. Tuy nhiên cô con gái của tôi cứ van xin, nài nỉ mẹ với vẻ mặt vô cùng đáng thương nên tôi cũng bắt đầu có chút lung lay, do dự. Thấy mẹ vẫn chưa quyết định, con bé tiếp tục thút thít nói:
– Mẹ ơi! Mẹ bảo bé ngoan sẽ được ông già Noel thưởng quà mà, con sẽ cố gắng làm em bé ngoan, vâng lời mẹ nên mẹ hãy cho bố ở lại với mình một đêm thôi mẹ nhé! Mẹ đã hứa sẽ thực hiện mọi mong muốn của con, con không thích gì cả đâu, con chỉ muốn được ngủ với bố mẹ thôi! Mẹ phải giữ lời hứa đấy nhé!
Trong tình huống này tôi thực sự rất khó xử, không biết phải quyết định như thế nào mới là đúng đắn, phù hợp cho cả tôi và con gái. Nếu các mẹ cũng ở trong hoàn cảnh giống tôi, mọi người sẽ lựa chọn ra sao?
Tâm sự từ độc giả myhanh…@gmail.com
Thực tế thì khi bố mẹ thất hứa với trẻ, điều này có thể gây ra những ảnh hưởng đến tâm lý và tình cảm của con. Mất lòng tin là một trong những tác động chính của việc thất hứa. Nếu bố mẹ không thực hiện những lời hứa đã đưa ra, trẻ có thể mất lòng tin và trở nên hoài nghi đối với những lời nói và cam kết trong tương lai. Điều này ảnh hưởng đến sự tin tưởng và mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ, gây sự mất cân bằng, căng thẳng trong tình cảm gia đình.
Mất lòng tin cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Khi trẻ không còn tin tưởng vào những lời hứa của bố mẹ, trẻ dễ trở nên lo lắng, cảm thấy bị bỏ rơi hoặc không được quan tâm đúng mức. Từ đó hình thành cảm giác tự ti và tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.
Hơn nữa, việc bố mẹ thất hứa có thể gửi đi thông điệp cho trẻ rằng không có sự nhất quán và đáng tin cậy trong gia đình. Điều này vô tình tạo ra sự bất ổn và khó khăn trong việc xây dựng mô hình gia đình ổn định, an toàn trong tâm trí của trẻ để trẻ có thể phát triển và hình thành nhân cách lành mạnh.
Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên trong những tình huống bất khả kháng, hoặc không phù hợp buộc bố mẹ thất hứa với con, có một số cách để xử lý tình huống này một cách tốt nhất và giảm thiểu tác động tiêu cực lên trẻ.
Đầu tiên, điều quan trọng nhất là bố mẹ thực hiện việc giải thích và giao tiếp một cách trung thực, chân thành với con. Hãy tìm cách truyền đạt cho con hiểu rõ tại sao bố mẹ không thể thực hiện lời hứa, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với tuổi tác của trẻ và lắng nghe những câu hỏi hoặc cảm xúc mà con có thể có. Điều này giúp trẻ hiểu rằng, bố mẹ không cố ý thất hứa, con vẫn luôn được quan tâm và tôn trọng.
Thứ hai, tạo ra một môi trường an toàn và ổn định cho trẻ. Dù cho bố mẹ thất hứa trong một số tình huống, nhưng hãy đảm bảo rằng con vẫn sẽ luôn cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm và hỗ trợ từ gia đình. Tạo ra một không gian thoải mái để trẻ thể hiện cảm xúc, và khuyến khích con chia sẻ những suy nghĩ hoặc cảm nhận của mình. Bằng cách này, trẻ có thể cảm thấy an toàn và tin tưởng trong mối quan hệ với bố mẹ.
Thứ ba, hãy tìm cách bù đắp và tạo ra những trải nghiệm tích cực khác cho trẻ. Dù không thể thực hiện lời hứa ban đầu, nhưng bố mẹ vẫn nên nỗ lực để thực hiện những hoạt động khác hoặc đề xuất những lời hứa mới mà bố mẹ chắc chắn sẽ thực hiện được. Điều này giúp trẻ hiểu rằng, bố mẹ vẫn quan tâm và đặt sự chú trọng vào việc giữ lời hứa với con.
Cuối cùng, hãy học từ kinh nghiệm quá khứ và tìm cách cải thiện trong tương lai. Bố mẹ có thể sử dụng những tình huống này như một cơ hội để truyền đạt cho trẻ các giá trị về sự linh hoạt, sự thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận. Đồng thời, đảm bảo rằng con sẽ nhận được tính uy tín, chắc chắn hơn trong tương lai.