Trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 5 tuổi chưa có sự hoàn thiện trong nhận thức sẽ không thể phân biệt được đâu là điều nên làm, đâu là không nên, đâu là nguy hiểm cần tránh và đâu là an toàn được phép làm. Đó là nguyên nhân khiến quá trình chăm sóc con cái của bố mẹ ở giai đoạn này gặp nhiều khó khăn, vất vả hơn.
Không có sự hoàn hảo trong việc nuôi dạy con và sự thật là trong cuộc sống hàng ngày, có những tình huống gây nguy hiểm cho trẻ mà bố mẹ không thể lường trước được. Bởi dù muốn chăm con tốt thì dĩ nhiên sự đòi hỏi về tính tỉ mỉ, cẩn thận là bắt buộc đối với mỗi bố mẹ, tuy nhiên họ không thể lúc nào cũng quản con 24/24. Chỉ cần một chút sơ sẩy để đứa trẻ lọt ra khỏi tầm mắt, con có thể rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Trường hợp của cô bé 2 tuổi ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) mới đây là một ví dụ điển hình. Bé gái tên là Tiểu Nguyệt, trong lúc mẹ đang nấu ăn dưới bếp thì cô bé tự mình chơi ở phòng khách. Tuy nhiên được một lúc thì đứa trẻ bỗng khóc thét gọi mẹ cầu cứu, mẹ của Tiểu Nguyệt không biết chuyện gì xảy ra với con gái, vội vã chạy ra kiểm tra. Lúc này khi nhìn thấy “chiếc vòng vàng” con gái đeo trên tay, bà mẹ mới kinh hãi.
Hóa ra, cánh tay của Tiểu Nguyệt được bao phủ bởi nhiều sợi dây thun màu vàng, chúng siết chặt vào da đứa trẻ khiến cổ tay của cô bé bị ứ máu, gây cảm giác khó chịu và đau đớn nên Tiểu Nguyệt mới khóc thét gọi mẹ như thế. Chứng kiến trò nghịch ngợm của con gái, bà mẹ bất lực nhưng không nổi giận la mắng con vì biết đứa trẻ còn nhỏ nên chỉ dỗ dành và nhẹ nhàng tháo gỡ từng sợi dây thun ra khỏi tay Tiểu Nguyệt, sau đó bôi một ít thuốc để làm dịu vết thương đang hằn đỏ trên làn da con gái.
Thực tế, những tình huống tương tự như thế này trong cuộc sống hàng ngày không hiếm, thậm chí là thường xuyên xảy ra với nhiều đứa trẻ. Nhẹ thì để lại hậu quả không đáng kể, nhưng nếu những trò nghịch ngợm có tính nguy hiểm cao thì trẻ nhỏ rất dễ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và sức khoẻ của bản thân trẻ.
Vì vậy để tránh điều này xảy ra, trong quá trình chăm sóc con cái, mỗi gia đình, mỗi ông bố bà mẹ cần lưu ý những vấn đề quan trọng sau:
– Giám sát liên tục: Bố mẹ nên giám sát con trẻ một cách liên tục trong suốt quá trình vui chơi. Điều này đảm bảo rằng con không tiếp xúc với các nguy hiểm tiềm ẩn hoặc không thể tự mình đối phó với những sự cố khi vui chơi một cách hiệu quả nhất.
– Tạo môi trường an toàn: Xác định và loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường chơi, bao gồm đồ chơi gây nguy hiểm, các vật sắc nhọn, các chất độc, và các bề mặt trơn trượt. Đồng thời, đảm bảo rằng không có những đồ chơi với kích thước quá nhỏ có thể dễ dàng gây ra tình huống đứa trẻ bỏ vào miệng và nuốt.
– Hướng dẫn và giáo dục con trẻ: Dạy con trẻ về các quy tắc cơ bản đảm bảo an toàn khi chơi, bao gồm không leo lên những nơi nguy hiểm, không chơi gần nước nếu không có sự giám sát, và không chơi với đồ chơi hoặc vật phẩm có thể gây nguy hiểm.
– Chọn trò chơi đúng độ tuổi và phù hợp với sự phát triển của con: Chọn những hoạt động chơi phù hợp với độ tuổi và khả năng phát triển của con trẻ. Tránh đưa con vào những hoạt động quá phức tạp hoặc nguy hiểm mà con không thể tự xử lý được.
– Áp dụng biện pháp bảo vệ cá nhân: Đảm bảo rằng con trẻ luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia các hoạt động ngoài trời như xe đạp, trượt patin, hay trượt ván. Sử dụng các biện pháp bảo vệ khác như găng tay, tất hay đồ bảo hộ cơ thể khi cần thiết.
– Kiểm tra địa điểm chơi: Trước khi cho con tham gia vào một khu vui chơi công cộng hoặc khu trò chơi ngoài trời, hãy kiểm tra an toàn cơ sở vật chất xung quanh và các yếu tố khác để đảm bảo rằng nó đáng tin cậy, phù hợp cho con.
– Sẵn sàng sơ cứu: Bố mẹ nên nắm vững kiến thức sơ cứu cơ bản để có thể xử lý các tình huống khẩn cấp nếu cần thiết. Hãy luôn có sẵn một hộp sơ cứu và biết cách sử dụng nó.
Trong tình huống con gặp tai nạn khi vui chơi, bố mẹ cần phản ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Dưới đây là các bước cần thực hiện:
– Bình tĩnh xem xét tình hình: Đầu tiên, bố mẹ cần giữ tâm lý bình tĩnh để đánh giá tình hình. Điều này giúp bố mẹ có sự sáng suốt và tập trung để có thể đưa ra những sự hỗ trợ và xử lý kịp thời, hiệu quả cho con.
– Đánh giá và sơ cứu: Đánh giá mức độ và tính chất của vết thương hoặc tai nạn. Nếu có thể thì hãy thực hiện sơ cứu ban đầu như áp dụng băng bó, làm sạch vết thương, nén chặt để kiểm soát chảy máu, hoặc đặt đúng tư thế cho vị trí bị tổn thương. Tuy nhiên, chỉ được phép thực hiện các biện pháp sơ cứu mà bố mẹ đã được đào tạo hoặc có kiến thức tốt về chúng.
– Gọi cấp cứu: Nếu tình huống nghiêm trọng hoặc cần sự can thiệp y tế chuyên nghiệp, bố mẹ nên gọi số cấp cứu hoặc đưa con ngay đến bệnh viện gần nhất. Đồng thời, thông báo cho nhân viên y tế về tình huống cụ thể và triệu chứng của con trẻ.
– Động viên, xoa dịu con trẻ: Trong quá trình xử lý tình huống, bố mẹ cần liên tục giao tiếp với con trẻ, giữ cho con trạng thái bình tĩnh và hợp tác. Lập tức đưa ra lời an ủi, nói chuyện nhẹ nhàng và động viên để cho con biết rằng bố mẹ đang ở bên và sẽ chăm sóc con tốt nhất.
– Thăm khám và theo dõi: Sau khi cung cấp sơ cứu ban đầu, bố mẹ nên đưa con trẻ đến bác sĩ hoặc bệnh viện để được thăm khám và đánh giá kỹ hơn. Bác sĩ sẽ xác định mức độ tổn thương và đề xuất các biện pháp điều trị, cũng như sự chăm sóc phù hợp.
– Rút kinh nghiệm: Sau khi tình huống đã được giải quyết, bố mẹ cần phân tích nguyên nhân của tai nạn và học từ kinh nghiệm đó. Điều này giúp bố mẹ nắm bắt được những nguy cơ tiềm ẩn, và đưa ra các biện pháp ngăn chặn để tránh tình huống tái diễn tương tự trong tương lai.