Tôi lập gia đình đã 10 năm, có một cô con gái 9 tuổi và một cậu con trai 7 tuổi. Vợ tôi bán hàng online, còn tôi nỗ lực suốt mấy năm trời cũng lên được chức trưởng phòng của một công ty du lịch. Người ta thường nói, ở vị trí càng cao thì càng áp lực, tôi nghĩ điều này đúng vì công việc của tôi không hề nhàn rỗi chút nào, phải tiếp khách và ở bên ngoài liên tục.
Dẫu vậy thì suốt mấy năm qua, tôi vẫn luôn cố gắng nỗ lực để có thể cân bằng được giữa công việc và thời gian dành cho gia đình. Những khi rảnh rỗi, tôi sẽ ở nhà để chơi cùng các con. Nhiều lúc vợ tôi giận chồng mãi mê công việc, không quan tâm gì đến cô ấy và các con, nhưng tôi không trách vợ vì tôi hiểu tâm lý của phụ nữ, chỉ cần dỗ dành thì gia đình sẽ yên, chứ lời qua tiếng lại làm gì cho lớn chuyện.
Thế nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, cô ấy thừa biết những ngày cận Tết đến Xuân về, lượng công việc của tôi sẽ nhiều hơn, tôi cũng sẽ thường xuyên phải ra ngoài để dự các buổi tiệc của khách hàng, đối tác. Đó vốn là tính chất công việc từ trước đến nay, chứ tôi đâu có muốn “ăn cơm ngoài đường thay cơm nhà” mãi như thế.
Ảnh minh hoạ
Ấy vậy mà vợ và các con còn khiến tôi phải phiền lòng, tức điên lên chỉ vì chuyện này. Chả là tôi đang ăn tối với một đối tác thì bỗng nhận được cuộc gọi từ con trai, thằng bé với giọng hấp tấp nói: “Bố ơi! Bố đang ở đâu đấy ạ, bố về nhà nhanh đi, đã tối rồi mà mẹ còn cho chú nào lạ vào nhà đấy bố ạ!”
Dù không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng với thái độ hệ trọng qua điện thoại của con trai, tôi quyết định nhanh chóng trở về nhà để kiểm tra tình hình và đành gửi lời xin lỗi đối tác, hứa sẽ bù đắp cho họ vào lần sau. Tuy nhiên khi về đến nhà, không thấy bóng dáng người đàn ông lạ mặt nào xuất hiện, tôi thắc mắc hỏi thằng con trai thì sôi máu khi nghe con nói:
– Bố bị lừa rồi ạ, làm gì có ai vào nhà đâu. Con muốn bố về sớm để chơi game với con và chị nên mới bịa ra chuyện này ạ!
– Tại sao con lại làm như thế, con có biết vậy là rất hư và vô lễ với bố không? Con muốn bị bố phạt hả?
Ảnh minh hoạ
Bị tôi nạt, thằng bé sợ hãi bắt đầu khóc rồi bỏ chạy vào phòng. Lúc này vợ tôi ở dưới bếp đi lên, vỗ về cơn giận của tôi:
– Anh đừng trách con, em xin lỗi là lỗi của em. Em bận nấu ăn trong bếp, thằng bé cứ mè nheo đòi bố về, nhưng sợ nếu nói về chơi game với tụi nó thì sẽ bị mắng, thế là con cứ nài nỉ em tìm cách giúp. Em mãi làm nên cũng chỉ nói đùa rằng, hay con bảo “có chú nào đến nhà, mẹ nghĩ bố nghe sẽ ghen và về ngay thôi”. Lúc đó em cũng không ngờ là con trai sẽ làm thật nên tình huống này mới xảy ra.
Nghe vợ thành thật thuật lại mọi chuyện, tôi càng thêm giận vì cô ấy là người lớn, là mẹ rồi mà lại không khéo léo gì cả. Nhưng tôi cũng không muốn làm lớn chuyện, vợ chồng cãi vã to tiếng với nhau ảnh hưởng đến các con. Tôi chỉ nhắc nhở và góp ý cho cô ấy theo cách nhẹ nhàng nhất, vì tôi không muốn việc này tái diễn thêm lần nào nữa.
– Sao em lại vô ý như thế! Con còn nhỏ sao mà biết lời nào là đùa lời nào là thật, em rút kinh nghiệm lần sau đấy, không là anh giận thật nhé!
Ảnh minh hoạ
– Em biết rồi, anh vào dỗ con đi, nói rõ cho con hiểu nữa nhé!
Tôi vào phòng trò chuyện với các con, không quên giải thích rõ vấn đề và an ủi tụi nó với lời hứa chỉ cần chúng ngoan ngoãn, qua đợt này công việc thảnh thơi hơn thì tôi sẽ đưa cả gia đình đi du lịch nghỉ dưỡng để bù đắp. “Trộm vía” các con tôi cũng hiểu chuyện nên mọi việc đều được giải quyết suôn sẻ.
Tâm sự từ độc giả minhquan…@gmail.com
Trong cuộc sống, có những lời nói đùa mang lại niềm vui, tiếng cười cho người khác, nhưng cũng có những lời nói đùa vô tình mang đến kết quả không tốt, chẳng hạn như lời nói đùa với con trẻ giống câu chuyện ở trên.
Trẻ nhỏ đang trong quá trình hoàn thiện nhận thức, chính vì thế mà trong nhiều tình huống, con không đủ khả năng để phân biệt được đâu là lời nói đùa của người lớn mà mình có thể tiếp thu và đâu là lời nói đùa tuyệt đối không nên học tập theo.
Đó là lý do mà người lớn, đặc biệt là bố mẹ nên hiểu để tránh nói trước mặt con trẻ một số lời nói đùa dưới đây.
– Lời nói đùa mang hàm ý xúc phạm: Tránh nói những lời nói mang tính chất xúc phạm, mỉa mai hoặc gây tổn thương tinh thần cho con trẻ. Dù là đùa hay không, những lời nói tiêu cực này đều có thể ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng và tâm lý của con.
– Lời nói đùa mang hàm ý phê phán: Tránh những lời nói đùa mang tính phê phán, chỉ trích quá mức con trẻ. Sự phê phán có thể làm giảm tính tự tin của con vào khả năng của bản thân.
– Lời nói đùa gây sợ hãi: Tránh nói những câu chuyện đáng sợ hoặc tạo ra những tình huống ghê rợn để đùa giỡn. Con trẻ còn đang trong quá trình phát triển, đôi khi chúng chưa phân biệt được giữa thực và hư cấu, điều này có thể sẽ gây ra sự hoang mang và lo lắng không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ.
– Lời nói đùa mang hàm ý khinh bỉ hoặc phân biệt: Tránh nói những lời đùa có tính chất khinh bỉ, chế nhạo hoặc phân biệt đối xử giữa các con với nhau. Điều này có thể gây ra xích mích, ảnh hưởng xấu đến tình cảm và những mối quan hệ gia đình.
– Lời nói đùa thiếu tôn trọng: Tránh nói những lời đùa thiếu tôn trọng đối với con trẻ, ví dụ như những lời nói xấu về ngoại hình, năng lực hay trí tuệ, tính cách của con. Tôn trọng là yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tự trọng và sự phát triển lành mạnh cho trẻ.
– Lời nói đùa không đúng sự thật: Nếu bố mẹ hoặc người lớn tự bịa ra những câu chuyện, sự việc không có thật để đùa giỡn với trẻ, trẻ có thể thực hiện theo và dẫn đến những kết quả không như mong đợi. Đồng thời điều này có thể gián tiếp góp phần vào việc hình thành tính cách dối trá của trẻ trong tương lai.
Tóm lại, bố mẹ cần nhớ rằng, khi đùa giỡn với con trẻ thì hãy luôn cân nhắc và đảm bảo lời nói của mình không gây tổn thương hay ảnh hưởng xấu đến con. Tốt nhất, nếu bố mẹ muốn đùa giỡn thì đó nên là những lời nói đùa mang ý nghĩa tích cực, tạo niềm vui, tiếng cười và kích thích tinh thần lạc quan cho trẻ.