Xã hội phát triển, đời sống con người cao hơn nên việc chăm sóc sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Một đứa trẻ ngay từ khi hình thành trong bụng mẹ đã được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tới lúc chào đời con cũng luôn được ưu tiên chăm sóc, bố mẹ luôn dành những điều tốt đẹp, quý giá nhất cho con.
Ngày nay, các bà mẹ nuôi con không hề đơn giản như ngày xưa, con ăn sữa ngoại, nuôi theo chế độ nước ngoài, ngay từ nhỏ đã bổ sung các dưỡng chất như DHA, Vitamin D, Canxi… cần thiết. Nhiều bà mẹ đã lạm dụng quá mức những thực phẩm chức năng này, vô tình gây ra những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe con cái. Như trường hợp của một người mẹ ở Thiên Tân, Trung Quốc đến khi con nằm lên bàn mổ, người mẹ mới nhận ra những sai lầm trong cách chăm sóc con thiếu hiểu biết của mình.
Bác sĩ chẩn đoán bé trai 9 tuổi bị sỏi thận
Theo Sohu, hội bà mẹ bỉm sữa ở Trung Quốc đã truyền tay nhau hình ảnh về một ca mổ sỏi thận ở Thiên Tân, Trung Quốc gây xôn xao dư luận. Bệnh nhân là một bé trai 9 tuổi, được chuyển vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị đau vùng thận, hình ảnh siêu âm có nhiều vật thể lạ nghi sỏi thận bên trong bể thận, đài thận. Một ca mổ nội soi sỏi thận nhanh chóng được diễn ra, các bác sĩ đã gắp được tổng cộng 56 viên sỏi nhiều kích thước từ bên trong cơ thể của bé trai. Hình ảnh sau ca mổ đã gây xôn xao trên mạng xã hội đất nước tỷ dân.
Trước khi nhập viện 2 tháng, cậu bé đã nói với bố mẹ về cơn đau bụng của mình. Tuy nhiên lúc này cơn đau đến nhẹ nhàng theo từng cơn ngắn rồi khỏi nên bố mẹ cậu bé không để ý tới.
56 viên sỏi được gắp ra từ bụng của bé trai
Bỗng nhiên một ngày, Tiểu Hiên bất ngờ đau thắt vùng lưng dữ dội và tiểu ra máu. Lúc này cha mẹ cậu bé mới vội vàng đưa Tiểu Hiên đến bệnh viện. Sau khi trải qua các thủ tục xét nghiệm, bác sĩ kết luận cậu bé đã bị sỏi thận.
Người mẹ của bé trai 9 tuổi đã sốc nặng vì tình trạng bệnh của con trai, đặc biệt là sau khi nghe giải thích và tư vấn của bác sĩ. Theo trưởng ca mổ, sỏi thận hình thành khi nước tiểu bị cô đặc và các khoáng chất như acid uric, canxi, natri, oxalat,… không hòa tan sẽ kết dính với nhau tạo thành sỏi. Tùy từng thời gian và mức độ lắng đọng, viên sỏi thường có kích thước khác nhau. Sỏi thận thường không “nằm im” ở một vị trí trong thận mà có thể theo dòng chảy nước tiểu rơi xuống niệu quản, bàng quang.
Ăn mặn, uống không đủ nước là nguyên nhân hàng đầu gây sỏi thận
Nguyên nhân khiến bé trai 9 tuổi đã có đến 56 viên sỏi thận chủ yếu là do chế độ ăn chưa khoa học, cùng với việc bổ sung canxi, vitamin D quá đà, trong suốt thời gian dài, khiến cơ thể thừa canxi, gián tiếp kết dính, tạo sỏi. Nghe đến đây, người mẹ giật mình vì những lời bác sĩ nói quá đúng, chị thường xuyên cho con ăn mặn, ăn nhiều thịt vì sở thích của con trai, chưa kể bữa ăn nào người mẹ cũng đổ nhiều công sức vì con bằng những món như: gà rán, khoai tây chiên, xúc xích và uống nước ngọt có ga liên tục. Hơn nữa, sợ con thấp bé hơn các bạn trong lớp, người mẹ cho con uống canxi nhiều, để mong con có chiều cao vượt trội.
Chính vì thói quen lâu ngày, cộng thêm với sự lười vận động, không thể dục điều độ nên con trai 9 tuổi đã mắc sỏi thận, đến khi đưa vào viện mẹ mới nhận ra những sai lầm của mình.
Ăn nhiều đồ ăn nhanh, ăn nhiều thịt cũng gây ra sỏi thận
Từ trường hợp của bé trai 9 tuổi trên đây, bác sĩ cho biết thói quen ăn uống hàng ngày là vô cùng quan trọng với sức khỏe của một đứa trẻ. Để tránh bị sỏi thận, ngoài việc bổ sung canxi quá đà, bố mẹ để ý những lưu ý sau đây:
Cho trẻ uống đủ nước
Nước là một trong những yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa sỏi thận. Nhiều trẻ không thích uống nước, hoặc chưa hình thành thói quen tốt “uống nước thường xuyên”. Uống không đủ nước lâu dài dễ dẫn đến nước tiểu cô đặc, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Để biết uống cụ thể bao nhiêu nước là đủ, có thể dựa theo công thức: Cân nặng x 40 = Số nước (cc) cần uống trong ngày.
Nhiều trẻ bị sỏi thận do uống nước có ga thay nước lọc bình thường
(Ví dụ người 50 kg, lượng nước cần uống là: 50 x 40 = 2.000 cc, tức 2 lít nước; Tương tự, người 60 kg sẽ cần uống là 2.400 cc)
Bố mẹ cần lưu ý khi đi tiểu nếu thấy nước tiểu vàng phải xem lại đã uống đủ nước chưa. Mỗi ngày nên tự kiểm tra, khi nào nước tiểu trắng trong là đã uống đủ nước.
Tránh ăn mặn
Chế độ ăn nhiều muối dễ dẫn đến tăng bài tiết canxi qua nước tiểu, từ đó làm tăng nguy cơ sỏi thận. Bố mẹ nên lựa chọn khẩu phần ăn ít muối để tránh hình thành sỏi trong thận. Những thực phẩm có chứa lượng Natri lớn như: Bim bim, khoai tây chiên, các loại thức ăn chế biến sẵn….
Cũng nên tránh cho trẻ uống nhiều nước ngọt có ga vì những loại nước uống này hoàn toàn không tốt với lượng đường và bài tiết của cơ thể trẻ. Thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ bị sỏi do uống nước ngọt có ga thay nước lọc.
Tránh ăn nhiều đạm động vật, tăng cường rau xanh, đạm từ thực vật
Ăn quá nhiều protein động vật có thể làm tăng nồng độ axit uric và oxalate trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành axit uric và sỏi oxalate. Vì vậy, hấp thụ lượng protein từ động vật vừa phải, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ăn nhiều đồ ăn chứa protein từ thực vật như các loại đậu như đậu phộng hoặc đậu lăng, đậu nành bao gồm sữa đậu nành hoặc đậu phụ cũng rất quan trọng để ngăn ngừa sỏi thận.
Không uống nhiều canxi
Lượng canxi đầy đủ rất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Tuy nhiên, uống quá nhiều canxi sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi oxalat, sỏi canxi photphat. Bố mẹ nên đưa con đi khám trước khi cho uống canxi, vitamin D và uống theo liều lượng, chỉ định của bác sĩ.
Tập cho trẻ thói quen không được nhịn tiểu
Nhiều đứa trẻ có thói quen nhịn tiểu. Đó là nguyên nhân làm tăng áp suất nước tiểu dẫn đến suy thận, sỏi thận và tiểu không tự chủ. Quá trình đào thải nước tiểu ở hệ thống đường tiết niệu không chỉ giúp đào thải lượng nước thải dư thừa trong cơ thể mà còn giúp loại bỏ các độc tố có hại trong cơ thể ra bên ngoài. Nhịn tiểu sẽ làm cho các chất độc lắng cặn lại trong thận, bàng quang. Sau một thời gian dài tích tụ, các lắng cặn này sẽ hình thành nên sỏi thận, gây viêm cầu thận, suy thận và ảnh hưởng tới chức năng bài tiết của thận.